Tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục quy hoạch, đầu tư, PPP và đấu thầu
Đây là một trong những nội dung bổ sung tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu vừa được trình Quốc hội được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Quốc hội sáng ngày 30/10.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch
Về sửa đổi Luật Quy hoạch, dự án Luật sửa đổi một số nội dung của Luật Quy hoạch như: Quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm giải quyết vướng mắc về căn cứ lập quy hoạch khi quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt; Phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và bổ sung quy định điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch để tạo chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch; Bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch trong những trường hợp cấp bách…
Đáng chú ý, các sửa đổi hướng đến đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch, xác định trách nhiệm tham gia, phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch và phân quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập quy hoạch, tránh trùng lặp trong hoạt động lập quy hoạch.
Bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt
Về sửa đổi Luật Đầu tư, đáng chú ý dự thảo Luật bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại các Ban quản lý để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày. Nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong 03 lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực hiện thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy, do đó dự kiến có thể cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính đến 260 ngày.
Bên cạnh đó, phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KCX; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt… nhằm tạo chủ động cho các địa phương.
Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi một số nội dung khác như: Quy định việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư; Quy định việc chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai nhằm giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình về dự án Luật |
Khuyến khích phương thức PPP với tất cả dự án lĩnh vực đầu tư công
Về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự thảo Luật sửa đổi một số nội dung. Theo đó liên quan đến lĩnh vực và hình thức hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP, khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao Bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.
Tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này. Bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng đối với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất đầu tư xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.
Liên quan đến cơ chế tài chính đối với dự án PPP, áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP; Làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; bổ sung các nguồn vốn thanh toán để chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp dự án PPP và xác định thứ tự ưu tiên khi sử dụng các nguồn vốn này.
Về quy trình, thủ tục thực hiện dự án PPP, bổ sung thủ tục rút gọn và đơn giản hóa nội dung các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi đối với dự án nhóm B, nhóm C và không sử dụng vốn nhà nước; dự án O&M; dự án BT không yêu cầu thanh toán.
Cho phép thực hiện đồng thời một số thủ tục để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP, cho phép lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán đồng thời với quá trình lựa chọn nhà đầu tư; sau khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp dự án PPP sẽ tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công.
Phân cấp cho Hội đồng thẩm định cấp cơ sở thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (thay vì Hội đồng thẩm định liên ngành như quy định hiện hành). Phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP, phê duyệt dự án PPP, bổ sung chi phí chuẩn bị và triển khai dự án PPP để đồng bộ với dự án đầu tư công theo dự thảo Luật Đầu tư công.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu
Về sửa đổi Luật Đấu thầu, dự thảo Luật này sửa đổi một số nội dung của Luật Đấu thầu như: Cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu; Cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.
Bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức này với các dự án, gói thầu có yêu cầu đặc thù về lựa chọn nhà thầu mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác được quy định tại Luật này… Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để tháo gỡ vướng mắc, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu.