Công nhân vay vốn mua nhà ở bằng nguồn nào?
Vay mua nhà ở với lãi suất thấp | |
Mua nhà đất khi ngân sách hạn hẹp |
Tuy nhiên, quan hệ tín dụng nhà ở của công nhân hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do thu nhập của công nhân không ổn định, cộng thêm tình trạng nhảy việc diễn ra khá phổ biến nên các ngân hàng rất khó xác định thu nhập để tính toán khả năng trả nợ mỗi khi có nhu cầu vay vốn mua nhà ở.
Ảnh minh họa |
Một phân tích của NHNN chi nhánh TP.HCM cho thấy, một bộ phận lớn công nhân trong vùng hiện nay không đủ khả năng tài chính để đầu tư, sở hữu những tài sản có giá trị lớn như nhà ở. Trong khi với mức thu nhập của công nhân hiện nay, sau khi trừ đi sinh hoạt phí đắt đỏ tại TP.HCM, họ cũng không đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn theo kế hoạch của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động hiện nay mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở trên thị trường, do đó nguồn lực tài chính cần huy động từ các nhóm khác nhau trong xã hội.
Đơn cử, TP.HCM có 187 ngàn doanh nghiệp, với 377 ngàn công nhân, nhưng mới chỉ giải quyết được khoảng 15% nhu cầu nhà ở cho công nhân; Long An có hơn 10 ngàn doanh nghiệp với khoảng 300 công nhân nhưng mới chỉ đáp ứng nhà ở được khoảng 2-3% nhu cầu số lao động hiện hữu. Nếu các địa phương chỉ chăm lo phát triển công nghiệp khiến dân số tăng cơ học, mà không có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tạo lập nhà ở cho công nhân, sẽ tạo áp lực lớn đến đô thị.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, cần có một định hướng chiến lược dài hạn để tạo lập nhà ở cho công nhân như huy động nguồn vốn lớn và xây dựng quỹ đất đáp ứng cho các dự án phát triển nhà ở xã hội giá rẻ. Đơn cử Chương trình phát triển nhà ở của TP.HCM đã được triển khai 10 năm qua và thành phố đã hoàn thành 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân do doanh nghiệp đầu tư xây dựng.
Để làm được điều đó, thành phố ưu tiên quỹ đất sạch, tạo điều kiện và có cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Đây là một ví dụ về việc chính quyền địa phương, cùng với các doanh nghiệp và cơ quan đoàn thể huy động mọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
Theo đó, chính quyền TP. HCM xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ. Với các cơ chế ưu đãi từ chính sách đất đai, thuế… nên thành phố yêu cầu doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội chỉ được phép bán nhà với giá tối đa 10 triệu đồng/m2. TP.HCM cũng xây dựng một cơ chế lấy ngân sách cấp bù lãi suất cho người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội vay vốn tương đương với mức lãi suất của các gói tín dụng của Chính phủ. Theo đó, người lao động ở TP.HCM đủ điều kiện mua nhà ở xã hội có thể vay vốn với lãi suất khoảng 4,7%-6%/năm.
Bên cạnh các cơ chế chính sách của thành phố, các ngân hàng cũng tham gia xây dựng những gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho người dân có thể vay vốn để mua, xây nhà giá rẻ theo chính sách của địa phương. Mỗi ngân hàng trên địa bàn tùy vào năng lực nguồn vốn và định hướng phát triển xây dựng ra các gói tín dụng phù hợp với từng nhóm khách hàng của mình. Theo đó đến hết năm 2019 đã có trên 10 ngàn hộ gia đình vay vốn ngân hàng tạo lập nhà ở giá rẻ với lãi suất thấp.
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng TP.HCM có nguồn ngân sách lớn hơn so với các địa phương khác nên sẵn sàng trích ra để bù lãi suất cho người lao động vay vốn mua nhà ở giá rẻ, điều mà không phải địa phương nào cũng có thể làm được. Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, giá đất và chi phí ở các tỉnh lẻ thấp cũng là cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng đầu tư nhà ở giá rẻ bán cho công nhân với giá thành phù hợp. Điều quan trọng nhất là trong các chính sách của Chính phủ thì các địa phương phải bắt tay vào cuộc mới có thể tạo lập nhà ở giá rẻ được cho người lao động có thu nhập thấp.