“Cõng tiền” vào Nam nuôi cách mạng
Mặt trận “chi viện tiền”
Sau Hiệp định Geneve (năm 1954) ngân quỹ cho chiến trường miền Nam rất hạn chế. Một phần nhu cầu, tài chính được bù đắp bằng số “tiền Đông Dương” do Trung ương để lại trước khi tập kết ra Bắc. Số còn lại được viện trợ thông qua Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam bộ, nhưng không đủ cho các nhu cầu mở rộng hoạt động ở các chiến khu.
Thời gian đó, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là NHNN Việt Nam) được Trung ương giao nhiệm vụ chăm lo nguồn tài chính cho công cuộc giải phóng miền Nam. Cục Ngoại hối của NHNN là đầu mối tại miền Bắc, Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam được thành lập có nhiệm vụ phối hợp với miền Bắc: tiếp nhận, chuyển đổi, vận chuyển, thanh toán và cấp phát nguồn tiền chi viện cho các đơn vị cách mạng tại các chiến khu Nam bộ.
Có thể nói nhiệm vụ chi viện miền Nam là cốt tử, quyết định thành công của cách mạng. Thời điểm những năm 1964-1965, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đặc biệt quan tâm đến đường dây tiền tệ này. Theo đó, hầu hết những cán bộ ưu tú và trung thành với cách mạng của ngành Ngân hàng đều được tập hợp để hình thành các đầu mối tiếp nhận - chế biến - vận chuyển - cấp phát tiền tệ.
Những chiến công thầm lặng của ngành Ngân hàng đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 |
Ở Hà Nội, một “ngân hàng ngoại hối” đặc biệt mang bí danh B.29 được thành lập, bí mật “ẩn mình” trong Cục Ngoại hối. Tổ chức bí mật này tập hợp những cán bộ giỏi nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ và dũng cảm bậc nhất của ngành Ngân hàng thời điểm đó có nhiệm vụ tiếp nhận tất cả các nguồn tiền tài trợ từ quốc tế. Sau đó lựa thời điểm thích hợp để quy đổi sang các loại tiền phù hợp, mang cất giấu và đợi lệnh chuyển vào chi viện miền Nam.
Những công việc này B.29 với danh nghĩa Cục Ngoại hối và các đại lý của Vietcombank tại nước ngoài đã bí mật cài cắm nhiều cán bộ tại các đầu mối tiếp nhận viện trợ như Hồng Kông, Paris, London, Bắc Kinh và Quảng Châu. Bằng các nghiệp vụ “vừa công khai vừa bí mật”, trong suốt các năm 1965-1975, các cán bộ tại B.29 như Mai Hữu Ích, Nguyễn Nhật Hồng, Lê Văn Châu, Nguyễn Văn Giốc, Phan Đình Mậu… đã tiếp nhận hàng tỷ đô-la Mỹ (quy đổi) tiền viện trợ quốc tế và vận chuyển thành công số tiền này về Hà Nội phục vụ chi viện miền Nam.
Tiền đã về kho lưu trữ ở miền Bắc, nhưng để vận chuyển vào Nam, quy đổi, giao nhận và cấp phát cho các chiến khu mới thật là nhiệm vụ đầy khó khăn và gian khổ. Ở Trung ương Cục miền Nam có hai đơn vị thuộc Ban Kinh tài nhận những nhiệm vụ này là Ban Tài chính đặc biệt (N.2683) và Ban Ngân tín R (C.32).
Hai đơn vị này phối hợp chặt chẽ với B.29, bí mật thực hiện tiếp nhận những “thùng hàng đặc biệt” được gửi theo đơn vị vận tải của Đoàn 559 vào các chiến trường miền Nam. Việc tiếp nhận, kiểm đếm, bảo quản và cấp phát tiền đến các chiến khu của N.2683 và C.32 đều được thực hiện ngay giữa “mưa bom bão đạn” vô cùng gian khổ và ác liệt.
Tuy vậy, việc tiếp nhận tiền từ miền Bắc vượt Trường Sơn chuyển vào vẫn chưa phải là tất cả những gì bộ ba đơn vị anh hùng (B.29, N.2683 và C.32) làm được trên mặt trận chi viện tài chính cho chiến trường miền Nam. Bằng sự sáng tạo, mưu trí và dũng cảm của những cán bộ ngân hàng ưu tú như: Lữ Minh Châu, Nguyễn Nhật Hồng, Nguyễn Thanh Quang, Mai Hữu Ích, Nguyễn Văn Phi, Trần Quang Dũng… hàng tỷ đô-la Mỹ đã được “chế biến” chuyển - nhận theo phương pháp F.M vừa là tên gọi một kênh phát sóng ngắn hơn AM, vừa là chữ viết tắt của phương pháp mới (F: phương pháp; M: mới), mượn chính những ngân hàng của chế độ cũ tại Sài Gòn và hệ thống các cơ sở kinh doanh làm bình phong của cách mạng để tạo ra “đường dây buôn tiền xuyên biên giới”, lấy chính hoạt động thanh toán buôn bán công khai để làm đường dây vận chuyển, tạo tiền nuôi các chiến khu cho đến ngày giải phóng.
Ký ức những cứ điểm chuyển - nhận tiền
Theo ông Nguyễn Văn Phi (tức Mười Phi, Thăng Long - Trưởng Ban Tài chính đặc biệt N.2683), từ khi Trung ương cho phép các đơn vị ngành Ngân hàng thực hiện phương pháp chuyển tiền F.M, các đơn vị bình phong của cách mạng và các cơ sở kinh doanh có quan hệ với N.2683 tại Sài Gòn và Phnôm Pênh lấy danh nghĩa sản xuất kinh doanh để rút tiền Sài Gòn (mật danh là tiền Z) và các loại biệt tệ khác từ ngân hàng, sau đó ứng trước cho nhu cầu chi dùng của Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam.
Việc nhận tiền Z được N.2683 và các cơ sở kinh doanh bí mật thực hiện tại các địa điểm an toàn. Sau đó số tiền sẽ được N.2683 và Ban Ngân tín R (C.32) vận chuyển về căn cứ để cấp phát đến các đơn vị trong chiến trường. Khi đã nhận đủ số tiền, N.2683 và C.32 sẽ báo về Hà Nội cho B.29, đơn vị này căn cứ vào số lượng tiền mà các cơ sở kinh doanh ứng trước để chuyển khoản “thanh toán” lại cho họ bằng đô-la Mỹ thông qua tài khoản của mình tại các ngân hàng ở nước ngoài.
Mặc dù tiền miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam từ “kho” của B.29 không phải theo chân các đơn vị vận tải vượt Trường Sơn vào Nam mà trực tiếp được “thanh toán” qua chính hệ thống ngân hàng tại Sài Gòn nhưng các khâu nhận tiền Z (từ các đơn vị kinh doanh ứng trước), vận chuyển số tiền này về căn cứ và cấp phát đến các chiến khu đều do các đơn vị N.2683 và C.32 đảm nhận.
Theo hồi ức của các cán bộ từng trực tiếp làm công tác nhận tiền và vận chuyển về căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Thời điểm những năm 1965-1975, các cứ điểm nhận tiền chi viện của N.2683 và C.32 được bố trí rộng khắp từ Prespo (Campuchia) về biên giới Tây Ninh và An Giang.
Các điểm đón nhận tiền bằng đường bộ vượt qua dãy Trường Sơn thường được hẹn giao nhận tại Bình Phước, tiền miền Bắc chi viện đường bộ quá cảnh Campuchia được đón tại Svay Rieng-Tà Nông, tiền từ các chiến khu thuộc Đồng bằng sông Cửu Long chuyển lên được giao nhận qua giao bưu tại Châu Thành (Tây Ninh). Ngoài ra, N.2683 và C.32 cũng thường giao nhận tiền tại địa bàn Cây Dầu (Tây Ninh), Hồng Ngự (Đồng Tháp), Tà Kéo, Prespo (Campuchia)…
Các tuyến vận tải tiền về Trung ương Cục miền Nam mà các đơn vị N.2683, C.32 thường xuyên vận chuyển tiền, bao gồm các tuyến Tân Biên - Cây Dầu, Tân Biên - Hồng Ngự, Tân Biên - Tà Kéo, Tân Biên - Biển Hồ… Hầu hết các tuyến này đều ít trùng với đường quân bưu. Vì vậy, các cán bộ chiến sĩ C.32 phải tự mở đường, khôn khéo cất giấu và dũng cảm vượt qua các chốt chặn để đưa tiền về căn cứ cách mạng. Nhiều chuyến vận chuyển tiền kéo dài hàng tuần dòng dã, các cán bộ phải vượt qua nhiều đợt phục kích và thiếu thốn, đói rét, nhưng từng chuyến hàng vẫn đến được căn cứ an toàn và đầy đủ.
Sau ngày Thống nhất đất nước, trong bản “Báo cáo quyết toán” do ông Mai Hữu Ích thực hiện (hiện vẫn đang lưu giữ tại NHNN) cho thấy rằng từ năm 1964 đến 1975, B.29 nhận viện trợ bằng ngoại tệ từ tất cả các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế là trên 678,7 triệu đô-la Mỹ, trong đó phần đã được chuyển vào Nam cả bằng đường bộ và đường chuyển khoản là gần 529,28 triệu đô-la. Ngoài những tổn thất do bị bom nổ, cháy hỏng dọc đường, tất cả đều được N.2683, C.32 tiếp nhận, vận chuyển, cất giấu và cấp phát cho các chiến trường. Tồn quỹ đến ngày 30/4/1975 là trên 149,4 triệu đô-la Mỹ đã được trả lại cho Trung ương đầy đủ.
Có thể nói rằng trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ “con đường tiền tệ” các cán bộ - chiến sĩ ngành Ngân hàng đã lập ra và vận hành là một con đường có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc Thống nhất đất nước. Những chiến sĩ thầm lặng ở B.29, N.2683, C.32 và những “cộng tác viên” là các thương nhân Việt kiều, Hoa kiều đã hỗ trợ các đơn vị chế biến, vận chuyển tiền tệ thực sự đã hợp thành một “binh chủng tiền” mang vác sứ mệnh huyết mạch phục vụ cuộc chiến là mắt xích quan trọng ở các chiến trường miền Nam góp phần chiến thắng thu giang sơn về một mối.