Covid-19 thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn
Đây là buổi Toạ đàm Số 7 trong chuỗi toạ đàm gồm 8 buổi về kinh tế nền tảng số (Digital Platform Economy) do UPGen phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức.
Cơ hội cho Việt Nam
Theo TS.Nguyễn Đức Thành, người sáng lập và cố vấn trưởng của VEPR, thời gian qua, kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều biến động sau cuộc bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu.
Giãn cách xã hội, sự lựa chọn không mong muốn cho đa số nhân loại đã trở thành giải pháp tình thế trên một quy mô vô tiền khoáng hậu. Tuy nhiên, đây thực sự là cơ hội để con người nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa quá trình chuyển đổi số.
Từ trước đại dịch, International Data Coperation đã dự báo, đến năm 2022, giá trị chuyển đổi số trên thế giới ước đạt 2.000 tỷ USD và tăng trưởng cao gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin. Sau đại dịch, mọi việc có thể còn tiến nhanh hơn nữa.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company năm 2019 kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng như “rồng được tháo xích” và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025.
Ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong khu vực tiến hành chuyển đổi số nhanh hơn nữa.
Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Ái Việt, Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chuyển đổi số là cơ hội của Việt Nam. Chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, dựa trên nền tảng khoa học kĩ thuật, giúp cho đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Ông đã chỉ ra 5 yếu tố của chuyển đổi số bao gồm: Tạo con người số trong xã hội số, phương thức hoạt động trên môi trường số, Chính phủ hoạt động minh bạch theo phong cách số, hạ tầng số và kinh tế số.
Ông đánh giá Việt Nam có nhiều ưu thế trong xây dựng xã hội số. Đối với việc xây dựng mạng xã hội, không nên xây dựng các mạng xã hội rộng như Facebook, Youtube,… sẽ khó cạnh tranh với các nền tảng đã có sẵn, nên tập trung vào những mạng xã hội chuyên dụng như Webtretho, Otofun… Ngược lại, đối với Ecomerce (sàn thương mại điện tử) cần phải xây dựng đa dạng mới có thể thu hút được người sử dụng.
Ông Trường Bomi, Cựu Giám đốc Dịch vụ chuyển tiền MoMo, Đồng sáng lập AhaMove, chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình xây dựng và thành lập các doanh nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số. Ông Trường đã tham gia xây dựng hai ứng dụng là Ahamove và Momo.
Thành công của Ahamove đó là gia nhập thị trường vào đúng thời điểm. Trước Ahamove đã có Uber gia nhập thị trường và tạo lợi thế. Ngoài ra, vào thời điểm đó bán hàng online trên mạng xã hội Facebook đang rất phát triển, đã hình thành tâm lý sẵn sàng của xã hội và nhu cầu vận chuyển hàng lớn.
Đối với trường hợp của Momo, ứng dụng này giúp các giao dịch trở nên dễ dàng, tạo thuận lợi cho các bên và thỏa mãn được nhu cầu của thị trường.
Nối tiếp phần chia sẻ của ông Trường, TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng VEPR chia sẻ về bản chất của chuyển đổi số, không gian số. Mô hình giao dịch truyền thống dựa trên uy tín và xác lập chi phí giao dịch.
Đối với mô hình số, khoa học công nghệ cho phép số hóa mọi hoạt động, có khả năng tìm kiếm thông tin và kết nối rất nhanh. Điều này làm giảm chi phí giao dịch, qua đó giải quyết được bài toán hiệu quả rất lớn và có tính cách mạng.
“Nước nào hiểu rõ được vai trò của không gian số và chuyển đổi số thành công thì có thể thay đổi diện mạo của mình. Chiến lược chuyển đổi số là việc không dễ nhưng cần phải làm để bắt kịp xu thế thế giới”, ông Thành nhận định.
Cần sớm có khung pháp lý cho nền tảng số
Bên cạnh những ưu thế, theo ông Nguyễn Ái Việt, việc xây dựng xã hội số ở Việt Nam vẫn gặp phải một số những khó khăn như việc định hình lĩnh vực, khó khăn về hành lang pháp lý hay văn hóa, tâm lý của người sử dụng.
“Hiện Việt Nam chưa có đủ cơ sở pháp lý cho các mô hình kinh doanh trên nền tảng số cũng như các công ty, doanh nghiệp còn yếu về năng lực công nghệ, tư duy kinh doanh cũng như vận hành trên nền tảng số”, ông Việt nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng, bảo mật thông tin là rào cản trong chuyển đổi số nói chung và phát triển kinh tế nền tảng số nói riêng, ông Nguyễn Đức Thành phân tích, bảo mật thông tin không phải là rào cản mà ngược lại đó chính là cốt lõi trong việc thúc đẩy phát triển.
“Việc Việt Nam bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để thúc đẩy sự sáng tạo hay nói cách khác, bảo mật thông tin là đảm bảo thông tin được bảo vệ, quyền lợi của người dùng được bảo đảm trên nền tảng số”, ông Thành khẳng định.
Để phát triển kinh tế nền tảng số, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xậy dựng hệ thống khung pháp luật, tạo ra quyền thực thi nền tảng kinh tế số.
Ngoài ra, trong công cuộc phát triển kinh tế theo nền tảng số, cơ sở dữ liệu số là cốt lõi quan trọng mà ở đó, Nhà nước phải là chủ thể trong việc tạo cơ sở để chia sẻ dữ liệu thông tin.
Ông Nguyễn Ái Việt đề xuất, Nhà nước nên xem xét có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp trong nước để phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế nền tảng số, song cũng phải lưu ý có sự cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ pháp luật để việc chuyển đổi số hiệu quả, bền vững.
.