Đà giảm nối dài trên thị trường hàng hóa
“Mặc dù thị trường liên tục rung lắc và đảo chiều, dòng tiền đầu tư trong nước vẫn cho thấy sự ổn định, duy trì quanh mức trung bình 4.300 tỷ đồng mỗi phiên. Trong đó, các mặt hàng nông sản và năng lượng vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền, khi chiếm hơn 70% tổng giá trị giao dịch kể trên”, theo MXV.
Khô đậu tương giảm 7 phiên liên tiếp, giá đậu tương xuống mức thấp nhất 2 tháng
Kết thúc tuần giao dịch 26/9-2/10, đà giảm của giá đậu tương đã tiếp tục được nối dài và khiến mặt hàng này đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua. Sau vài phiên giằng co quanh mức 1400 cents/giạ, báo cáo Tồn kho ngũ cốc (Grains Stocks) được phát hành hàng quý với các số liệu gây bất ngờ đã kéo theo lực bán ồ ạt trong phiên cuối tuần.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng ước tính năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 2021/22 lên mức 51,7 giạ/mẫu từ mức 51,4 giạ/mẫu. Sản lượng cao hơn dự kiến dẫn tới việc tồn kho đậu tương Mỹ tính đến hết ngày 1/9 (cuối niên vụ 21/22) đạt mức 274 triệu giạ. Con số này cao hơn so với ước tính của USDA là 257 triệu giạ và hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của thị trường khi cho rằng tồn kho sẽ thắt chặt hơn.
Khô đậu tương là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất trong nhóm họ đậu. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EU Commission), khối lượng khô đậu tương nhập khẩu trong tuần vừa rồi chỉ đạt 0,14 triệu tấn, thấp hơn so với mức 0,41 triệu tấn trong tuần trước đó.
Tương tự như 2 mặt hàng cùng nhóm, dầu đậu tương cũng quay đầu và ghi nhận mức giảm tới hơn 3% trong tuần vừa rồi. Công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong tháng 09 đạt 1,32 triệu tấn, tăng 10,8% so với tháng trước.
Trong khi đó, thuế xuất khẩu dầu cọ của Indonesia cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 33 USD/tấn, từ mức 52 USD/tấn. Nguồn cung dầu thực vật nới lỏng khi 2 nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới đẩy mạnh xuất khẩu là yếu tố chính tạo sức ép tới giá dầu đậu.
Ở diễn biến ngược lại, lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của toàn nhóm nông sản tuần vừa rồi, với mức tăng 4,66%. Tình hình căng thẳng leo thang tại Ukraine tiếp tục là yếu tố hỗ trợ mạnh đối với giá.
Trong tuần vừa rồi, Nga đã chính thức sáp nhập 4 vùng lãnh thổ tranh chấp tại Ukraine, bất chấp sự phản đối kịch liệt của phương Tây. Thị trường lo ngại nguồn cung từ Biển Đen sẽ đối mặt với rủi ro bị gián đoạn lớn hơn nữa và điều này đã tạo hỗ trợ mạnh mẽ cho giá lúa mì.
Ngoài ra, trong báo cáo Tổng quan Ngũ cốc hằng năm (Small Grains Annual Summary), USDA ước tính sản lượng lúa mì năm nay của Mỹ là 1,65 tỷ giạ, thấp hơn mức 1,783 tỷ giạ trong báo cáo Cung cầu tháng 9 và nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường. Điều đó khiến nguồn cung lúa mì từ Mỹ bị thu hẹp đáng kể và đã hỗ trợ đà tăng của giá.
Giá dầu chấm dứt chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp
Giá dầu chấm dứt chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp với mức tăng nhẹ trong tuần 26/9-2/10. Cụ thể, giá WTI tăng 0,95% lên 79,49 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0,13% lên 85,14 USD/thùng.
Tuy vậy, thị trường dầu vẫn ghi nhận mức giảm trong quý đầu tiên kể từ năm 2020. Rủi ro lớn nhất bao trùm lên tâm lý thị trường là lo ngại về suy thóai kinh tế toàn cầu, khi các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất để khống chế lạm phát.
Lãi suất cao làm gia tăng chi phí cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng, trong khi vấn đề về nguồn cung chưa thực sự được giải quyết. Chỉ số đô la Mỹ duy trì quanh vùng đỉnh 20 năm cũng khiến cho giá dầu liên tục gặp sức ép lớn, do đồng bạc xanh tăng mạnh khiến cho dầu trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Hỗ trợ cho giá dầu tăng trở lại trong tuần vừa rồi là thông tin cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh OPEC+ đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. Tính từ vùng đỉnh tháng 6, giá dầu đã giảm hơn 30%, trong khi ngân sách của các thành viên phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ.
Theo các nhà phân tích của công ty PVM nhận định, OPEC+ có động lực để duy trì giá dầu ở mức 90 USD/thùng. Theo thông tin mới nhất, OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng trên mức 1 triệu thùng/ngày, đặc biệt Saudi Arabia có thể cân nhắc tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu. Nếu được thông qua, đây sẽ là mức cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ tháng 5/2020, khi OPEC+ quyết định hành động để hỗ trợ giá dầu trong giai đoạn Covid-19.
Trong khi đó, sẽ khó để các quốc gia khác tăng sản lượng bù vào. Ví dụ như Mỹ trong tuần vừa rồi số giàn khoan dầu chỉ tăng thêm 2 lên 604, theo dữ liệu của công ty dịch vụ Baker Hughes.
Cuộc họp của OPEC+ dẫn dắt xu hướng giá dầu, lúa mì còn động lực tăng
Theo Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam, các thông tin vĩ mô sẽ tiếp tục tác động rất lớn đến thị trường năng lượng và kim loại trong tuần này. Tình hình lạm phát phủ bóng đen lên các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn sẽ là sức ép mạnh nhất khiến giá hàng hóa khó có thể lấy lại đà tăng như các vùng đỉnh trong năm nay.
Riêng đối với thị trường dầu thô, cuộc họp của OPEC+ sẽ là thông tin quan trọng nhất quyết định hướng đi của giá dầu trong tuần này, đặc biệt khi cuộc họp sẽ được tổ chức với sự tham gia trực tiếp của các thành viên lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, thay vì các cuộc họp trực tuyến.
Cùng với đó, các yếu tố căn bản đang quay lại trọng tâm của thị trường, trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin từ Trung Quốc, khi nước này tiến vào kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng.
Trong khi đó, là sản phẩm lương thực thiết yếu, các mặt hàng nông sản sẽ chịu ít tác động trực tiếp bởi nền kinh tế hơn, mà sẽ diễn biến sát theo cán cân cung - cầu.
“Nhà đầu tư cần theo dõi các thông tin cơ bản, các số liệu về nguồn cung, sản lượng, tồn kho, để có thể đánh giá chính xác xu hướng giá. Ngoại trừ lúa mì đang nhận hỗ trợ tương đối mạnh từ việc nguồn cung của Mỹ bị thu hẹp, giá đậu tương và ngô nhiều khả năng sẽ tiếp tục giằng co trong tuần này”, MXV lưu ý.