Đà Nẵng hướng đến sản xuất “sạch”, tiêu dùng “xanh”
Mô hình kinh tế tuần hoàn
Ở Việt Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính. Hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu thô, bán, đến tay người tiêu dùng và sau đó hầu hết được thải bỏ như phế thải. Đồng thời, nhiều sản phẩm tiêu dùng không được sử dụng hết vòng đời của chúng và một số được mua chỉ để sử dụng một lần...
Trong bối cảnh đó, khái niệm kinh tế tuần hoàn xuất hiện và khuyến khích chuyển dần từ mô hình tuyến tính này sang mô hình sử dụng tốt hơn các nguồn lực, không chỉ bền vững hơn, mà còn tạo ra một loạt các cơ hội mới cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng toàn diện. Theo đó, khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ chấm dứt tình trạng khối lượng chất thải liên tục tăng, nhưng không có phương án xử lý hiệu quả và không khai thác được giá trị kinh tế từ chất thải; hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường gây ra bởi mô hình kinh tế tuyến tính đang áp dụng, mang lại những lợi ích trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên, biến đổi khí hậu; khai thác được nền tảng công nghệ...
Đà Nẵng đang khuyến khích sản xuất và tiêu dùng “xanh” |
TS. Huỳnh Huy Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho biết, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, thành phố sẽ ưu tiên phát triển 7 lĩnh vực gồm: quản lý chất thải rắn; nguyên liệu; năng lượng; khu công nghiệp sinh thái; tuần hoàn lương thực; tuần hoàn nước và đặc biệt là tiêu dùng xanh... Trong đó, đặt ra 5 mục tiêu tổng quát cần đạt được gồm: giảm khai thác tài nguyên không tái tạo; tăng cường năng lực, kiến thức, kỹ năng kinh tế tuần hoàn trong quản lý nhà nước; cải thiện năng suất, lợi nhuận của doanh nghiệp và nền kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn trên nền tảng chuyển đổi số; tạo thêm việc làm xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gần đây, một số ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn Đà Nẵng cũng đã quan tâm áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, hướng đến tiêu dùng xanh. Trong đó, đến nay toàn thành phố có hơn 2.500 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 81,7 MWp. Bên cạnh, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn thành phố đến nay đã có hơn 37 mô hình gắn với tiêu dùng xanh được triển khai thực hiện như: thùng thu gom pin thải; mái nhà xanh; trồng chuối lấy lá; điểm tập kết rác văn minh... Trên thị trường thành phố xuất hiện nhiều đồ dùng, dụng cụ trong gia đình được làm bằng tre, gỗ, lá cây, giấy… thay thế cho những sản phẩm được làm bằng nhựa. Không chỉ khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường đối với nhiều người, xu hướng tiêu dùng này còn góp phần thúc đẩy sản xuất “sạch”, tiêu dùng “xanh”. Về phía người tiêu dùng ngày càng ý thức được việc cấp thiết phải bảo vệ môi trường sống nên việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong thời gian gần đây đang có chiều hướng tăng mạnh. Không ít “thượng đế” sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm “xanh” và “sạch”.
Bà Trần Thị Phượng - trú tại quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ, trước đây chất lượng và giá cả, thành phần nguyên liệu là những tiêu chí lựa chọn sản phẩm của gia đình. Tuy nhiên, gần đây chọn mua bất kỳ sản phẩm nào cũng phải cân nhắc đến yếu tố bảo vệ môi trường, hướng đến tiêu dùng xanh...
Sản xuất cũng chuyển từ “nâu” sang “xanh”
Có thể nói, chuyển từ “nâu” sang “xanh”, hiện đang trở thành xu hướng phát triển chung trên toàn cầu, được chọn trở thành trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia và đô thị trên thế giới hướng tới phát triển bền vững... Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng cũng đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP tại Việt Nam) cho biết, Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn. Kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, nền kinh tế tuyến tính làm gia tăng áp lực lên môi trường. Do đó cần phải thay đổi để sản xuất xanh hơn, sạch hơn. Đà Nẵng là đô thị trẻ, năng động, có nhiều cơ hội để tiên phong cho lộ trình phát triển của các đô thị Việt Nam. Việc theo đuổi kinh tế tuần hoàn sẽ giúp thành phố quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Chia sẻ về lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn của thành phố giai đoạn 2022-2030, cũng theo TS. Huỳnh Huy Hòa, định hướng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ bao gồm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn khởi động (2022-2025), nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và chuẩn bị tiền đề ban đầu (về chính sách, vốn, nhân lực, lộ trình, nhiệm vụ...).
Trong giai đoạn phát triển (2025-2030), thành phố triển khai các dự án thí điểm trong các lĩnh vực ưu tiên để lan tỏa áp dụng kinh tế tuần hoàn, gồm: quản lý rác (rác sinh hoạt, rác xây dựng, rác thải nhựa), nguyên liệu, năng lượng, khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn lương thực và thực phẩm, tuần hoàn nước, công dân tiêu dùng xanh... Từ năm 2030 trở đi, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo, các chương trình, dự án thí điểm được đánh giá và mở rộng sang các ngành, lĩnh vực khác.
Với lộ trình trên, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 2 - 3 khu công nghiệp đạt tiêu khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; tăng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm của thành phố đạt trên 20%; 100% sản phẩm của địa phương được dán nhãn sinh thái; mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GRDP đạt mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 30%; xây dựng được 2 nhà máy tái chế, compost; tạo ra việc làm cho 3.200 - 3.500 người/năm từ các hoạt động dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn…
Thực hiện chủ trương trên, hiện các cơ quan chức năng địa phương đang đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp. Từ đó, mong nhận được sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là với doanh nghiệp trước đây gây ra những bức xúc cho xã hội, tạo nên hình ảnh mới của doanh nghiệp từ “nâu” sang “xanh” dựa trên lợi ích tổng thể mang lại kinh tế - xã hội và môi trường...
Ông Nguyễn Thanh Phúc - Tổng Giám đốc Nhà máy bia Heineken Việt Nam tại TP. Đà Nẵng cho biết: Heineken Việt Nam đang vận hành theo nền kinh tế tuần hoàn, tại Đà Nẵng, nhà máy đã sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào toàn bộ quá trình nấu bia thay vì sử dụng dầu diesel. Cam kết của Heineken Việt Nam chúng tôi theo đuổi 3 mục tiêu đầy tham vọng trong phát triển bền vững. Trong đó, có mục tiêu sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất vào năm 2025.