Đà Nẵng hướng đến xu thế tất yếu xây dựng nền kinh tế xanh và sạch
Mô hình kinh tế tuần hoàn tiêu biểu
Trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các mục tiêu xây dựng “Thành phố môi trường” theo đề án phê duyệt năm 2028. Phấn đấu đến năm 2025, Đà Nẵng đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo chất lượng môi trường tốt cho người dân, nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Hòa Khánh góp phần xanh hoá môi trường công nghiệp |
Trên cơ sở đó, với quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng tăng trưởng xanh trên địa bàn, TP. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng lộ trình phát triển KTTH, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2 - 3 khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia, đến năm 2045 cơ bản đạt được các tiêu chí của thành phố tuần hoàn.
Hiện tại, với chủ trương lớn của TP. Đà Nẵng đề ra, tại các KCN, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chuyển đổi các mô hình kinh tế xanh, xây dựng ý thức về lối sống xanh cho người lao động.
Hiện nay, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, KTTH đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia và cả Việt Nam. Xu hướng này đang tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam. Việc xem xét, xây dựng chính sách và triển vọng của KTTH cũng như sự nhận diện những vấn đề thách thức là rất quan trọng đang được Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và DN quan tâm.
Tại diễn đàn “Thực hiện KTTH ở Việt Nam trong điều kiện mới” vừa được Bộ Công Thương tổ chức TP. Đà Nẵng, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, KTTH có vai trò quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có phát triển KTTH như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiện tại, Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về KTTH, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành.
Tại diễn đàn này, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên UVTW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công An, nêu lên một số mô hình tiêu biểu tại Việt Nam. Trong đó, Đà Nẵng được PGS.TS. Nguyễn Văn Thành nên lên như một hình mẫu trong phát triển KTTH. Các mô hình KCN ở Đà Nẵng đang phát huy hiệu quả tích cực…
Các tổ chức, DN, ngân hàng trên địa bàn tích cực quan tâm đến hoạt động chuyển đổi xanh |
Cũng tại diễn đàn “Thực hiện KTTH ở Việt Nam trong điều kiện mới”, TS. Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) nêu điển hình về hiệu quả của mô hình KTTH là một nhà máy sản xuất bia tại Đà Nẵng. TS. Lê Xuân Thịnh chia sẻ, đối với mô hình sản xuất bia này, với công suất nhà máy 24 triệu lít bia/năm, khí biogas sinh ra từ hệ thống xử lý nước thải 4.800m3/ngày, chi phí đầu tư 2,6 tỷ đồng, chi phí vận hành 616 triệu đồng, nhờ tái sử dụng nước thải và thu hồi khí biogas phục vụ cho lò hơi (lò hơi trước đó sử dụng sinh khối - chất đốt củi và trấu) giúp DN giảm chi phí nước và năng lượng 5,39 tỷ đồng. Như vậy, thời gian hoàn vốn của DN chỉ có 6 tháng. Cùng với đó, DN cũng giảm tiêu thụ sinh, khối với tỷ lệ 33%. Qua đó, giảm phát thải khí nhà kính 17.044 tấn CO2.
Ông Lê Xuân Thịnh chia sẻ thêm, với mô hình sản xuất bia, rượu thì giải pháp thu hồi khí CO2, tuần hoàn nước làm mát và ép vắt bã làm thức ăn gia súc sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về môi trường, kinh tế và xã hội...
Kinh tế tuần hoàn hiện diện ở nhiều lĩnh vực
Thực tế, từ lâu trên địa bàn Đà Nẵng đã hình thành các mô hình theo hướng KTTH. Theo Lộ trình phát triển KTTH tại TP. Đà Nẵng do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng xây dựng theo Quyết định số 1102/ QĐ-UBND của UBND TP. Đà Nẵng và được thực hiện với sự phối hợp và hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thì thực tiễn phát triển cho thấy một số ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn đã được quan tâm đến thiết kế theo nguyên tắc của KTTH trước khi đưa vào triển khai thực hiện.
Đơn cử, trong lĩnh vực nông nghiệp, thực tiễn phát triển nông nghiệp cho thấy một số biểu hiện của KTTH trong ngành nông nghiệp ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã triển khai các mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC) và biến thể Vườn - Ao - Chuồng - Biogas (VACB), Vườn - Ao - Chuồng - Rừng (VACR).
Hay như trong lĩnh vực xây dựng, hiện FPT Complex là một trong những công trình thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh - tiết kiệm năng lượng áp dụng phiên bản 2013 của QCVN09. Đây là công trình duy nhất đến thời điểm hiện nay ở Đà Nẵng được cấp chứng chỉ Excellence in Design for Greater Efficiencies EDGE5. Ngoài ra, tòa nhà khách sạn Ecogreen, khách sạn Như Minh, Trung tâm Tim mạch TP. Đà Nẵng cũng là các đơn vị tuân thủ QCVN 09:2013/BXD.
Việc xây dựng những công trình áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh - tiết kiệm năng lượng luôn được chính quyền TP. Đà Nẵng quan tâm, khuyến khích các DN, nhà đầu tư triển khai thực hiện |
Đối với lĩnh vực sản xuất phân phối, có mô hình KCN sinh thái. Trong giai đoạn 2015-2019, KCN Hòa Khánh được lựa chọn để thí điểm xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Quỹ Môi trường Toàn cầu và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ đã tài trợ cho Việt Nam thực hiện dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” (Dự án tiến hành xây dựng thí điểm KCN sinh thái tại 3 KCN gồm: KCN Khánh Phú - Ninh Bình, KCN Hòa Khánh - Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 - Cần Thơ). Mục tiêu của hợp phần thí điểm là lựa chọn những ví dụ điển hình về cách mà các giải pháp công nghệ về sử dụng hiệu quả tài nguyên và các bon thấp được thực hiện.
Trong giai đoạn 2015 - 2019, TP. Đà Nẵng đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam hỗ trợ đánh giá RECP (Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) hơn cho 29 DN; các chuyên gia của Dự án đã đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn. Trong đó, 228 giải pháp đã được thực hiện, giúp các DN tiết kiệm hơn 14 nghìn tỷ đồng/năm; giảm hơn 50.000 m3 nước thải, 7.000 tấn CO2 và 2.700 tấn chất thải rắn/năm.
Trong lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, Đà Nẵng có tiềm năng lớn ở năng lượng điện mặt trời. Đến cuối năm 2020, Đà Nẵng có trên 2.529 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất lắp đặt 81,7 MWp, chưa có dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mặt nước.
Ngoài ra, đối với báo cáo kiểm toán năng lượng, trên địa bàn thành phố, đến nay có 49 DN là cơ sở năng lượng trọng điểm (chưa tính ngoài cơ sở năng lượng trọng điểm) thực hiện báo cáo kiểm toán năng lượng. Số lượng DN/cơ sở đã có người quản lý năng lượng được cấp chứng chỉ của Bộ Công Thương là 45 đơn vị.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm điện trong chiếu sáng giao thông đô thị, TP. Đà Nẵng cũng đã triển khai hai dự án quan trọng: Dự án Thí điểm thay thế hệ thống điện chiếu sáng công cộng bằng đèn LED và Dự án xây dựng hệ thống điều khiển trung tâm và điều khiển tủ điện từ xa.
Cùng đó, nhiều DN trên địa bàn đã áp dụng mô hình KTTH trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, có thể kể đến những DN điển hình như: Các DN đã đầu tư sản xuất gạch không nung; các DN đã có những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao. Ví như, Công ty TNHH MTV Công Nghệ Sinh Học Minh Hồng là một trong những điển hình của DN áp dụng KTTH trong lĩnh vực sản xuất, biến chất thải hữu cơ được thu gom thành Nước rửa chén hữu cơ, nước giặt Organic, nước lau sàn... Các DN và dự án khởi nghiệp thực hành theo hướng KTTH như: mô hình Green Run Series, VietArt, Fuwa Refill Station, Green Building, Green University DUE...
Theo ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Nhà máy giấy Bao bì Tân Long (KCN Hòa Khánh), DN thường xuyên đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường. Mỗi ngày, với khoảng 70 tấn giấy sản xuất thành phẩm, DN chỉ thải ra trung bình 1,5 tấn rác thải, chủ yếu là băng keo có thể tái sử dụng.
Ban Quản lý đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thí điểm bộ chỉ số KCN sinh thái nhằm xác định các tiêu chí để đề ra giải pháp thực hiện |
Theo Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, đơn vị xác định, việc xây dựng mô hình KCN sinh thái là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là xu thế tất yếu trong thời gian tới nhằm giải quyết triệt để ảnh hưởng của các KCN đến môi trường tự nhiên và tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Do đó, Ban Quản lý đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thí điểm bộ chỉ số KCN sinh thái nhằm xác định các tiêu chí để đề ra giải pháp thực hiện. Trong quá trình thẩm định báo cáo tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo ủy quyền của UBND thành phố, Ban Quản lý khuyến khích DN áp dụng một số giải pháp sản xuất sạch hơn.
Song song với việc xây dựng các khu công nghiệp xanh, thu hút các DN sản xuất bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, Đà Nẵng tập trung vào phát triển KTTH để luân chuyển chất thải của dự án này sang làm nguồn nguyên liệu của dự án khác hướng đến sự phát triển bền vững, từ đó, tạo một nền tảng cho cách ứng xử với môi trường.