Đà Nẵng nâng tầm hỗ trợ lao động làm việc
Câu chuyện thành công từ thực tế
Theo UBND TP. Đà Nẵng, gần 5 năm qua, thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Đà Nẵng đã có 2.124 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đồng thời, mở ra cơ hội việc làm với thu nhập cao, đặc biệt cho lao động ở khu vực nông thôn. Sự thay đổi không chỉ dừng lại ở khía cạnh tài chính, còn thể hiện ở việc nâng cao trình độ, kỹ năng và tầm nhìn của lực lượng lao động trẻ.
Xuất khẩu lão động mở ra cơ hội việc làm với thu nhập cao, đặc biệt cho lao động ở khu vực nông thôn. |
Từ năm 2016, chương trình hợp tác trao đổi nguồn nhân lực trên lĩnh vực nông nghiệp giữa huyện Hòa Vang và huyện Yeongyang (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) được ký kết. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho biết, qua 7 năm triển khai, đến nay, huyện Hoà Vang đã đưa 1.871 lượt người lao động sang Hàn Quốc làm việc, trong đó nhiều người lao động đi 3-4 đợt.
Năm 2023, huyện Hòa Vang tiếp tục đưa 540 người đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình hợp tác trao đổi nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp giữa huyện Hòa Vang và huyện Yeongyang bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Cùng đó, có 68 người lao động, trong đó 15 người lao động có hộ khẩu Đà Nẵng đi làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hungary. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đà Nẵng đưa 116 người lao động đi làm việc ở các nước: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hungary. Đồng thời, huyện Hoà Vàng tổ chức đưa 315 lao động thời vụ ngành nông nghiệp sang Hàn Quốc làm việc.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các quận, huyện tiến hành khảo sát nhu cầu người lao động đi làm việc ngắn hạn (3 tháng và 6 tháng) trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc. Kết quả, các quận: Thanh Khê có 43 người, Cẩm Lệ 55 người, Hải Châu 2 người, Sơn Trà 71 người, Ngũ Hành Sơn 28 người và huyện Hòa Vang có 1.864 người có nhu cầu tham gia.
Những con số trên minh chứng cho tính hiệu quả của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được triển khai thực hiện tại TP. Đà Nẵng trong những năm qua. Tuy nhiên, để nhân rộng thành công và khắc phục những thách thức còn tồn tại, TP. Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND đặt ra một lộ trình hành động toàn diện hơn.
Đổi mới trong quản lý
Chỉ thị nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, từ quản lý đến thực thi. Điểm nổi bật là việc quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này. Cụ thể, định kỳ 6 tháng, các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin chi tiết về quy trình tuyển dụng, đào tạo và tổ chức xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, công tác thanh tra sẽ được tăng cường, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm như lừa đảo hoặc môi giới bất hợp pháp. Mục tiêu là tạo nên một hệ sinh thái minh bạch, an toàn và hiệu quả cho lao động xuất khẩu.
Huyện Hòa Vang có hàng trăm người đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình hợp tác trao đổi nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp giữa huyện Hòa Vang và huyện Yeongyang bảo đảm an toàn, hiệu quả. |
Cùng đó, tăng cường tuyên truyền - đưa thông tin đến tận tay người dân. Chỉ thị 05/CT-UBND đã đưa ra những giải pháp để đảm bảo rằng NLĐ không chỉ hiểu rõ quyền lợi, mà còn nắm chắc trách nhiệm khi làm việc ở nước ngoài.
Các chương trình tuyên truyền thông qua báo chí, phóng sự, hoặc câu chuyện thành công của những lao động đi trước sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về cơ hội cũng như thách thức khi làm việc tại thị trường quốc tế.
Đặc biệt, Đà Nẵng cũng đặt trọng tâm vào việc hướng dẫn các nhóm lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và trung bình. Từ việc hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, đến cung cấp thông tin chi tiết về điều kiện làm việc, thành phố đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội vươn xa.
Một trong những rào cản lớn nhất đối với người lao động muốn ra nước ngoài làm việc chính là tài chính. Hiểu rõ điều này, UBND TP. Đà Nẵng giao nhiệm vụ đối với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP. Đà Nẵng vào cuộc, chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về việc cho vay vốn đi làm việc ở nước ngoài tại các địa phương; nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng cho vay vốn đi làm việc ở nước ngoài để hỗ trợ vay vốn.
Không chỉ dừng lại ở việc giúp người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các chương trình sau khi lao động trở về cũng được chú trọng. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng sẽ tư vấn, kết nối các công việc phù hợp với kỹ năng và kinh nghiệm mà lao động tích lũy được, đảm bảo một vòng đời lao động hiệu quả và bền vững.
Chỉ thị cũng nên rõ việc nâng cao nhận thức học sinh, sinh viên để tạo nguồn lao động chất lượng cao. Chỉ thị đặt mục tiêu tiếp cận đối tượng trẻ ngay từ ghế nhà trường. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng sẽ tăng cường hướng nghiệp và định hướng học sinh, sinh viên tham gia thị trường lao động quốc tế.
Không chỉ là lựa chọn tạm thời khi thị trường việc làm trong nước bão hòa, làm việc ở nước ngoài còn là cơ hội để sinh viên trẻ tích lũy kiến thức và kỹ năng, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố.
Sở Ngoại vụ phối hợp cùng các cơ quan liên quan giải quyết các rủi ro phát sinh, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Môi trường làm việc được lựa chọn kỹ lưỡng, từ các đối tác uy tín, đảm bảo yếu tố thu nhập, an toàn và ngành nghề phù hợp với nhu cầu lao động địa phương.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng cam kết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật như lừa đảo tuyển dụng hoặc tổ chức cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài.
Chỉ thị 05 không chỉ là một chính sách, mà là lời khẳng định mạnh mẽ cho định hướng phát triển của Đà Nẵng. Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không đơn thuần là giải pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp, còn mở ra cánh cửa để Đà Nẵng hội nhập sâu hơn với thị trường lao động toàn cầu.
Với tầm nhìn chiến lược và sự đồng lòng từ các cấp, Đà Nẵng đang đặt nền móng vững chắc cho một thế hệ lao động mới - chất lượng, tự tin và sẵn sàng đón nhận những cơ hội vượt ra khỏi biên giới quốc gia.