Tăng sức cạnh tranh cho ngành khách sạn
Đà Nẵng - trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, đang sở hữu một hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phong phú. Toàn thành phố có gần 1.300 cơ sở lưu trú với hơn 46.000 phòng, trong đó có 110 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4-5 sao với hơn 21.000 phòng, khoảng 100 cơ sở lưu trú 3 sao cung cấp gần 6.700 phòng, phần còn lại là các cơ sở 2 sao trở xuống.
Thời gian gần đây, ngành du lịch và khách sạn thành phố đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Không chỉ từ các điểm đến nổi tiếng trong nước mà còn từ các địa phương quốc tế, thành phố buộc phải đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn.
Hội thảo “Giải pháp và chiến lược cho ngành khách sạn”, diễn ra ngày 9/12, tại Cung Hội nghị Quốc tế Furama, đã trở thành một diễn đàn quan trọng quy tụ gần 300 lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các khách sạn trên địa bàn thành phố, nhằm tìm kiếm những giải pháp thiết thực để nâng cao sức cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, hội thảo không chỉ là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn mà còn mang đến cái nhìn tổng quan về xu hướng thị trường. Các dữ liệu thống kê chi tiết cùng chiến lược quảng bá từ Sở Du lịch được đưa ra, đi kèm là những kinh nghiệm quản lý quý báu từ các chuyên gia đầu ngành.
Hội thảo “Giải pháp và chiến lược cho ngành khách sạn” quy tụ gần 300 lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng. |
Ông Quỳnh nhấn mạnh, các nội dung thảo luận tại hội thảo mang tính chất hai chiều, vừa là cơ hội để học hỏi, vừa là diễn đàn để các doanh nghiệp khách sạn trình bày những vướng mắc, tìm kiếm giải pháp hợp lý. Đây chính là nền tảng để ngành khách sạn Đà Nẵng xây dựng chiến lược dài hạn, gia tăng năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của thành phố trên bản đồ du lịch quốc tế.
Theo bà Lã Thị Hải Hà, Quản lý Vùng Cấp cao của Agoda, Đà Nẵng nằm trong nhóm ba thành phố được du khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam, cùng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, du khách Hàn Quốc luôn chọn Đà Nẵng là điểm đến hàng đầu nhờ vào cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ thống khách sạn sang trọng và nền ẩm thực đa dạng. Khoảng 80% du khách Hàn Quốc lựa chọn lưu trú tại các khách sạn 4-5 sao, nhưng xu hướng chọn khách sạn 3 sao cũng đang tăng trưởng.
Bên cạnh việc thu hút khách Hàn Quốc, Đà Nẵng đang hướng đến các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, châu Âu và cả Bắc Mỹ. Chiến lược phát triển bao gồm đẩy mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua việc cá nhân hóa dịch vụ, kết hợp với KOLs và tối ưu hóa các kênh bán hàng trực tuyến.
Thay vì chỉ quảng bá cơ sở lưu trú, họ cần kể câu chuyện về điểm đến, tạo nên sức hút toàn diện cho du khách. |
Ông Nguyễn Đức Quỳnh cũng khẳng định, để đạt được những mục tiêu lớn, các doanh nghiệp trong ngành cần thay đổi cách tiếp cận trong marketing. Thay vì chỉ quảng bá cơ sở lưu trú, họ cần kể câu chuyện về điểm đến, tạo nên sức hút toàn diện cho du khách.
Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, kể cả đối thủ cạnh tranh, để phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch ẩm thực và âm nhạc, nhằm tạo trải nghiệm hấp dẫn hơn cho du khách.
Các cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng đang tăng cường công tác truyền thông và xúc tiến du lịch, không chỉ duy trì thị trường truyền thống mà còn mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới. Đây chính là chiến lược giúp Đà Nẵng không chỉ giữ vững vị thế mà còn trở thành điểm đến hàng đầu khu vực trong tương lai…