Đặc xá cho 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người khác
Toàn cảnh họp báo |
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết, đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 của Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2018 và các văn bản pháp luật liên quan.
Trong những năm qua, xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc, Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt đặc xá cho những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng, xã hội.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, theo đề nghị của Hội đồng tư vấn đặc xá, ngày 29/9/2024, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 957 đặc xá cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
“Đặc xá năm 2024 một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ cải tạo, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân, là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam và xã hội, giữa gia đình và các cấp chính quyền… trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước”, ông Hà nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, đặc xá năm 2024 quyết định tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam và những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số 758 ngày 30/7/2024 của Chủ tịch nước, tuy nhiên các hình phạt bổ sung khác như: cấm đảm nhận chức vụ, quân chế, phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác… thì những phạm nhân được đặc xá vẫn phải chấp hành đầy đủ theo quy định của pháp luật.
“Chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước đối với những người có hành vi phạm tội là "nghiêm trị" kết hợp với "khoan hồng". Chính vì vậy, hình phạt mà pháp luật hình sự của Nhà nước CHXHCN Việt Nam áp dụng không chỉ nhằm trừng trị những người có hành vi phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống, cảnh tỉnh, ngăn ngừa họ không phạm tội mới. Mặt khác, đặc xá còn thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước và từ đó góp phần nâng cao uy tín của Nhà nước CHXHCN Việt Nam trên trường quốc tế…”, ông Hà nhấn mạnh thêm.
Thực tiễn cho thấy, qua các đợt đặc xá là cơ hội để mỗi phạm nhân suy xét lại những lỗi lầm mà họ đã phạm phải, đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ lỗi lầm để vươn lên thành công dân có ích cho xã hội.
Qua báo cáo của Bộ Công an, tuyệt đại đa số các phạm nhân nhận được đặc xá trước đây đều có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng lập cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, trở về với gia đình trở thành người lương thiện, có việc làm ổn định, có người thành đạt và tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động cộng đồng xã hội, được ghi nhận...
Nhân dịp này, Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi công dân tiếp tục quan tâm, quản lý, giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ những phạm nhân được đặc xá trở về hòa nhập cộng đồng như mục tiêu của Chính phủ đặt ra tại Nghị định số 49 ngày 17/4/2020.
Các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền đối ngoại, để dư luận trong nước và quốc tế hiểu rõ về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tạo sự đồng tình ủng hộ, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.