Đại biểu Quốc hội: Không nên quy định phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm
Cho ý kiến về quy định can thiệp sớm tổ chức tín dụng, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, tại dự thảo luật mới nhất trình Quốc hội lần này đã bổ sung thêm quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm.
Đại biểu Lã Thanh Tân |
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, quy định này làm thay đổi bản chất can thiệp sớm, chuyển can thiệp sớm từ cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang một trạng thái xử lý cụ thể.
Đại biểu phân tích, với cơ chế can thiệp từ sớm thì khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng thực hiện các yêu cầu hạn chế để khắc phục các vấn đề trong hoạt động để tổ chức tín dụng đó quay trở lại hoạt động bình thường. “Đây không phải là văn bản quyết định đặt tổ chức tín dụng vào can thiệp sớm”, đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh.
Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ các yêu cầu hạn chế cùng với thời hạn thực hiện các yêu cầu hạn chế đó. Các yêu cầu hạn chế của Ngân hàng Nhà nước sẽ chấm dứt khi hết thời hạn thực hiện mà các tổ chức tín dụng đã khắc phục được các vấn đề của mình.
Với cách tiếp cận này, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng yêu cầu hạn chế hoặc không còn áp dụng yêu cầu hạn chế đối với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm mà không có văn bản quyết định can thiệp sớm, nên cũng không cần có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm. Nhưng theo dự thảo mới, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định can thiệp sớm và sau đó là văn bản quyết định khi chấm dứt can thiệp sớm.
“Đây sẽ là thông tin bất lợi đối với tổ chức tín dụng, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng tới tâm lý người gửi tiền… đối với chính tổ chức tín dụng được can thiệp sớm nói riêng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung”, đại biểu Lã Thanh Tân nói và cho biết, pháp luật các nước cũng không quy định can thiệp sớm là một giai đoạn xử lý mà quy định theo hướng can thiệp sớm là các cơ chế cho phép cơ quan quản lý áp dụng đối với một tổ chức tín dụng gặp vấn đề.
Theo các tài liệu, nguyên tắc cốt lõi để giám sát ngân hàng hiệu quả của Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS) cho rằng, giám sát thông qua can thiệp sớm có thể ngăn chặn sự yếu kém của một ngân hàng khỏi việc phát triển sự yếu kém đó thành một mối đe dọa tới sự an toàn và lành mạnh. Theo đó, khi một ngân hàng không tuân thủ với các yêu cầu của luật hoặc các quy định gây nguy hiểm đến hoạt động của ngân hàng, cơ quan giám sát có thẩm quyền can thiệp ở giai đoạn sớm, yêu cầu ngân hàng thực hiện hành động khắc phục một cách kịp thời để xử lý các hoạt động không an toàn và lành mạnh. Như vậy, theo quan điểm của BIS, can thiệp sớm là một cơ chế cho phép cơ quan quản lý yêu cầu tổ chức tín dụng khắc phục.
“Từ những lý do trên, tôi đề nghị giữ nguyên quy định về can thiệp sớm như dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 hoặc bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm tại Điều 161 của dự thảo luật. Điều này sẽ phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, tránh trường hợp thị trường có phản ứng tiêu cực khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp can thiệp sớm đối với một tổ chức tín dụng”, đại biểu Lã Thanh Tân đề xuất.
Đại biểu Phạm Đức Ấn |
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cho rằng, “can thiệp sớm” về bản chất đã thể hiện Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng bắt buộc phải làm để đảm bảo đưa ngân hàng đó về trạng thái hoạt động bình thường. “Như vậy thì không nên nặng nề vấn đề là phải ra quyết định rồi sau đó rút quyết định đó. Bởi vì, nếu hết can thiệp sớm tổ chức tín dụng đó trở lại hoạt động bình thường thì có thể coi như là chuyện không có gì xảy ra. Nhưng nếu trong trường hợp đã can thiệp sớm mà tổ chức tín dụng vẫn rơi vào tình trạng rủi ro hơn thì lúc đó đã chuyển sang về hình thức quan trọng mới. Đấy là quyết định về kiểm soát đặc biệt, lúc đấy trở thành một quyết định chính thức”, đại biểu Phạm Đức Ấn phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến nội dung quy định can thiệp sớm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật đã chỉnh lý, tiếp thu so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 6, theo đó, đã bổ sung cơ chế xem xét, quyết định; và một số trường hợp giao quyền chủ động cho Ngân hàng Nhà nước quyết định. Về vấn đề có cần văn bản của Ngân hàng Nhà nước như các đại biểu băn khoăn trên hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chỉnh sửa, xử lý để đảm bảo hài hòa các mối quan hệ giữa các chủ thể…