Đầu năm du Xuân miền Kinh Bắc
Tham dự buổi tham quan có đồng chí Hoàng Thanh Nhàn, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng; đồng chí Kim Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông cùng các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại hai đơn vị.
Đoàn thăm và dâng hương tại Đền Đô. |
Du Xuân đầu năm tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, đền, chùa sau Tết Nguyên đán để cầu bình an, công việc thuận lợi cho một năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. Một trong những địa điểm du Xuân đầu năm được nhiều người nhắc đến đó là tỉnh Bắc Ninh - cái nôi của dân ca quan họ. Ngoài ra, Bắc Ninh còn được biết đến là kinh đô của những lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống Bắc Ninh là di sản quý và đặc sắc của nền văn hiến Kinh Bắc, chứa đựng nhiều nét đẹp truyền thống độc đáo.
Về với Bắc Ninh trong ngày đầu Xuân ấm áp, Đoàn đã tới Đền Đô - một trong những ngôi đền linh thiêng, cổ kính nổi tiếng ở Bắc Ninh, đền thờ 8 vị vua nhà Lý với những kiến trúc độc đáo mang đậm nét văn hóa người Việt. Đền Đô hay còn gọi là Đền Lý Bát Đế (Cổ Pháp điện), là thái miếu của nhà Lý, được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào thế kỷ XI trên đất hương Cổ Pháp, ngày nay nằm ở phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đoàn lắng nghe thuyết minh về di tích. |
Đền được dựng trên nền đất mà khi xưa vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương. Theo sử sách, dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha, từ đó Đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.
Đến nay, Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý gồm: Lý Công Uẩn tức (Lý Thái Tổ), Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông.
Đền Đô đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử - văn hóa theo Quyết định số 154 ngày 25/1/1991 của Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, du khách thập phương lại du Xuân, trẩy hội tại chốn linh thiêng này để ngắm cảnh và thắp hương tưởng nhớ tới công lao của các vị vua triều Lý, đồng thời thưởng thức các làn điệu quan họ tại đây.
Rời Đền Đô, Đoàn đến thăm chùa Phật Tích có tên chữ là Vạn Phúc Tự. Chùa là nơi các nhà sư Ấn Độ đặt bước chân đầu tiên đến truyền dạy đạo Phật vào nước ta rồi xuôi theo dòng sông Dâu về vùng Luy Lâu lập nên trung tâm Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Hiện nay, ngôi chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: bia đá, vườn tháp, hàng linh thú đá, tượng Phật A di đà bằng đá từ thời Lý, được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012. Năm 1962, chùa Phật Tích được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2014, chùa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đây là dịp để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại hai đơn vị có cơ hội hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. |
Ngoài ra, Đoàn cũng đã có nhiều hoạt động ngoại khóa, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai đơn vị. Qua việc tham quan các di tích lịch sử, lắng nghe ý nghĩa và những câu chuyện lịch sử tại nơi đây là dịp để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của hai đơn vị hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, thả hồn mình cùng những ngày tổ tiên ta dựng nước, từ đó ra sức phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành tựu chung của ngành Ngân hàng cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp.