Đầu tư cho văn hóa bằng chính sách thuế
Bằng cách hỗ trợ văn hóa qua các chính sách thuế hợp lý, chúng ta đang đầu tư vào nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng một cộng đồng văn hóa mạnh mẽ, đa dạng và phát triển bền vững… Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang là chủ đề quan tâm của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, thuế nói chung, thuế VAT nói riêng có ý nghĩa lớn đối với phát triển văn hóa. Từ nguồn thu ngân sách, Nhà nước có thể đầu tư bảo tồn di sản, xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa và tổ chức sự kiện nghệ thuật. Không chỉ là công cụ kinh tế, thuế còn là chìa khóa mở ra cánh cửa đến với nghệ thuật và văn hóa cho mọi tầng lớp xã hội. Tuy vậy, theo ông Sơn, không nên tăng thuế VAT đối với các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim lên 10% mà chỉ nên giữ ở mức như Luật hiện hành. Đó cũng là giải pháp góp phần phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng là việc nên làm để người dân tiếp cận sản phẩm văn hóa dễ dàng hơn, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật và bảo tồn các giá trị truyền thống. Đồng thời, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa phát triển, gia tăng giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo.
Muốn thúc đẩy công nghiệp văn hóa, không nên tăng thuế VAT ở thời điểm này |
Đồng quan điểm, PGS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhìn nhận, văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng còn “èo uột”. Công nghiệp văn hóa của chúng ta mới manh nha phát triển, và ghi nhận thành quả đáng mừng ở một số phim điện ảnh và biểu diễn, không nên áp mức thuế chung cho cả ngành. Do vậy, PGS.TS Từ Thị Loan đề xuất việc tăng thuế VAT nên được làm theo lộ trình hoặc phân loại theo từng lĩnh vực. Theo đó, không nên nâng mức thuế từ 5% lên 10% mà cần xây dựng lộ trình tăng dần qua các năm. “Sân khấu hiện đại hay truyền thống đều khó khăn trong cơ chế thị trường. Các loại hình nghệ thuật này đang rất cần sự ưu tiên từ Nhà nước. Việc đánh thuế cần xem xét về doanh thu của loại hình đó để đưa ra mức thuế phù hợp. Hiện tại đề xuất tăng thuế đang mang tính cơ học, máy móc cho toàn ngành”, PGS.TS Từ Thị Loan nói và nhấn thêm rằng, người dân bắt đầu có thói quen đến nhà hát xem kịch, vậy mà lại giáng một đòn thuế xuống, khác nào vùi dập thị trường vừa nổi lên. Để bảo tồn các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống cần nhiều hơn sự chung tay giúp sức từ Nhà nước.
Từ góc nhìn của những người trực tiếp sản xuất các chương trình văn hóa, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, vấn đề tăng thuế VAT với lĩnh vực văn hóa có thể được xem xét, nhưng không phải ở thời điểm hiện tại. Theo ông Tiến "tăng thuế ở thời điểm này là gay go". Thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là lĩnh vực mang nội hàm lớn, hướng tới nhiệm vụ làm sao để văn hóa Việt Nam có bộ nhận diện tốt, sức lan tỏa mạnh. Tuy nhiên hiện tại, hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa thực sự đi vào ổn định, nguồn khán giả hạn chế, nhất là với nghệ thuật truyền thống. "Mỗi năm, Nhà hát Tuổi trẻ sáng đèn khoảng 40 tuần với lịch diễn khá đều. Đây cũng là điểm đến cuối tuần được nhiều khán giả lựa chọn. Giá vé dao động khoảng 200.000-250.000 đồng/vé. Mỗi đêm diễn thu về khoảng vài chục triệu đồng, nhưng số tiền này chỉ đủ để duy trì hoạt động, chi trả điện nước, tiền luyện tập, bồi dưỡng. Rất khó để tăng giá vé cao hơn nữa", ông Tiến nói, đồng thời cho rằng, việc tăng thuế VAT có thể thực hiện trong tương lai, khi hoạt động biểu diễn có quy mô đồng đều, công nghiệp văn hóa phát triển. Đó cũng là lúc mà đời sống nhân dân tăng lên, khán giả có thói quen đi xem biểu diễn.
Đạo diễn, NSND Trần Lực - người sáng lập đoàn kịch tư nhân LucTeam bày tỏ: “Là một đơn vị tư nhân, chúng tôi phải tự lực cánh sinh rất nhiều. Chúng tôi hoạt động như một công ty, nghĩa là phải đóng thuế đầy đủ. Thời gian dịch bệnh Covid-19, nghệ thuật biểu diễn ngưng trệ, LucTeam cũng như các đơn vị khác gặp khó khăn chất chồng. Nay, hoạt động sân khấu đang sôi động trở lại thì có thông tin về việc tăng thuế khiến chúng tôi rất băn khoăn”.
Theo đạo diễn Trần Lực, cơ quan quản lý không nên “cào bằng” mức thuế bởi sân khấu kịch không thể có doanh thu như điện ảnh, hay ngay trong lĩnh vực điện ảnh, không phải tác phẩm nào cũng thành công như những bộ phim của Trấn Thành, Lý Hải.
Cùng chung nỗi lo, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty BHD cho rằng, việc tăng thuế sẽ làm khó cho các doanh nghiệp vốn đã rất vất vả làm văn hóa, còn làm hạn chế, làm chậm lại sự đầu tư vào văn hóa, sẽ rất khó khăn trong tiến trình phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng. “Mức tăng thuế thêm 5% không quá cao nhưng đối với người tiêu dùng trong thời điểm nhạy cảm với sự tăng giá, lạm phát, việc tăng thuế sẽ hạn chế người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm văn hóa, thể thao. Việc tăng thuế VAT đối với ngành văn hóa hoàn toàn không phù hợp xu thế chung của thế giới. Công nghiệp văn hóa khác các nền công nghiệp khác”, bà Hạnh nêu quan điểm đồng thời nhấn mạnh: “Bằng cách hỗ trợ văn hóa qua các chính sách thuế hợp lý, chúng ta đang đầu tư vào nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng một cộng đồng văn hóa mạnh mẽ, đa dạng và phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Vì vậy, nếu không hỗ trợ thì giữ nguyên mức thuế chứ không nên tăng”.