Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch biển
TP.HCM: Đưa Cần Giờ thành khu du lịch biển quốc tế Cảng tàu chuyên biệt: Chìa khóa để du lịch biển bứt phá |
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam đã được chú trọng đầu tư đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa đủ để giải quyết tình trạng hàng không quá tải, đường bộ kẹt cứng, cảng biển phục vụ du khách thiếu hụt trầm trọng… Số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn ở các địa phương cũng chưa tương xứng với lượng tăng trưởng du khách, tiềm năng phát triển khách du lịch.
Nút thắt “kìm hãm” sự phát triển
Anh Nguyễn Tuấn Minh - một hộ dân sống gần bãi tắm Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, cứ đến cuối tuần, các phương tiện di chuyển vào bãi tắm khá khó khăn. Bên cạnh lưu lượng xe đông, đa số các tuyến đường ở Thuận An còn khá nhỏ. Đây là hạn chế trong phát triển du lịch đã được nhìn nhận nhiều năm, nhưng chưa có nhiều thay đổi.
Trong khi đó, tại Nha Trang - nơi sở hữu một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, thu hút lượng khách du lịch lớn, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, nhưng hiện nay hạ tầng cảng biển tại đây đang bộc lộ những vướng mắc kìm hãm tăng trưởng khách du lịch tàu biển. Đáng chú ý, vào đầu tháng 4/2024, CTCP Cảng Nha Trang đã có văn bản đề nghị tạm dừng hoạt động trong thời hạn 6 tháng để sửa chữa vì hạ tầng xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn.
Thực tế, thời gian qua nhiều địa phương, các nhà đầu tư đã quan tâm hơn đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch ven biển. Cuối tháng 9/2024, UBND Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Công viên, Câu lạc bộ thể thao biển và bãi tắm Sơn Thủy với tổng mức đầu tư hơn 34,6 tỷ đồng nhằm đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục - thể thao, tắm biển của người dân. Trước đó, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, Tiểu dự án Quảng Trị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt với tổng số vốn đầu tư hơn 258 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á. Dự án nhằm góp phần hoàn thiện khu du lịch ven biển Gio Linh-Cồn Cỏ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Cũng trong khoảng thời gian này, thành phố Đồng Hới đã có đề xuất về những phương án xem xét cho phép đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ du lịch bờ biển với loại hình dịch vụ du lịch tổng hợp tắm biển kết hợp với tuyến phố đi bộ, thăm quan và ẩm thực... Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc đầu tư hạ tầng để phát triển dịch vụ du lịch biển và bờ biển là cần thiết nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh, góp phần tạo sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng như tạo điểm nhấn để du khách đến với nơi đây.
Cơ sở hạ tầng là điều kiện để địa phương phát huy tối đa tiềm năng du lịch biển |
Kích hoạt tối đa tiềm năng kinh tế biển
Theo các chuyên gia, tuy đóng vai trò quan trọng để các địa phương ven biển phát huy tối đa lợi thế từ du lịch tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cần phải được xem xét, đánh giá kỹ càng; phải phù hợp với các quy hoạch của các địa phương. Quá trình phê duyệt đầu tư dự án phải đúng theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ bờ biển và môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Nếu có thể, các địa phương cần triển khai thí điểm ngắn hạn để đánh giá hiệu quả thực tế trước khi thực hiện, tránh lãng phí tài nguyên, nguồn lực của các nhà đầu tư.
Để phát triển du lịch ven biển PGS.TS Trần Đình Thiên nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bên cạnh hạ tầng giao thông, cần đầu tư hạ tầng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn ở các địa phương tương xứng với lượng tăng trưởng du khách, tiềm năng phát triển khách du lịch. Trong đó, cần có những chính sách kích cầu, thu hút đầu tư; đặc biệt cần đầu tư trọng điểm, không dàn trải, tạo môi trường thông thoáng cho phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Song song đó, cũng cần quy hoạch lại tổng thể các điểm du lịch, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường thiên nhiên; khai thác đi đôi với bảo tồn, tập trung phát triển du lịch ven biển, đô thị biển, các hoạt động vui chơi, tham quan đa dạng, đổi mới và thu hút khách du lịch hơn.
Bên cạnh đó, một chuyên gia cũng nhìn nhận, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch ven biển, xem đây là hướng mở hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và kích cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có biển. Các địa phương ven biển cần mạnh dạn hơn nữa trong việc thay đổi cách tiếp cận; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ tốt nhu cầu để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn; chủ động khai thác, tìm kiếm lượng khách du lịch thay vì bị động chờ đón khách đến như hiện nay.