Ninh Thuận: Ngân hàng sát cánh cùng doanh nghiệp
Tiếp sức từ ngành Ngân hàng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 4.390 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn đăng ký trên 87.000 tỷ đồng. Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thời gian gần đây, nền kinh tế địa phương đã hồi phục và có nhiều dấu hiệu khởi sắc, sau một thời gian gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương.
Đứng trước khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lẫn người dân tiếp cận vốn tín dụng. Trong đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của ngành Ngân hàng và địa phương.
Cụ thể, NHNN chi nhánh Ninh Thuận thường xuyên trao đổi thông tin với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh theo quy chế phối hợp giữa hai bên; duy trì đường dây “nóng” tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc tiếp cận tín dụng ngân hàng; duy trì thông tin liên lạc Ban hỗ trợ tiếp cận tín dụng ngân hàng cho hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn để tiếp nhận, phối hợp giải quyết và hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu tiếp cận được vốn vay.
Ngành Ngân hàng trên địa bàn Ninh Thuận triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lẫn người dân tiếp cận vốn tín dụng. |
Đặc biệt, để chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp có hiệu quả, bên cạnh việc tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các TCTD trên địa bàn đã dành nguồn vốn với lãi suất hợp lý cho vay các lĩnh vực mũi nhọn của Ninh Thuận như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo…
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Ninh Thuận, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dễ dàng với lãi suất hợp lý...
Về phía các TCTD cũng nỗ lực tiết giảm chi phí, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, công khai các quy trình, thủ tục để tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vồn tín dụng ngân hàng.
Theo đại diện Agribank Ninh Thuận, thời gian qua, chi nhánh đã rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho khách hàng…
Các TCTD trên địa bàn cũng ưu tiên dành nguồn vốn cho vay ưu đãi với mục tiêu mở rộng tín dụng xanh theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 03/CTNHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Theo NHNN chi nhánh Ninh Thuận, ước đến cuối tháng 9/2024, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 24.100 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cuối năm 2023, bằng 95,4% kế hoạch năm 2024; tổng dư nợ cho vay ước đạt 47.050 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023, bằng 99,85% kế hoạch năm.
Mô hình vay vốn ngân hàng trồng cây măng tây ở huyện Ninh Phước, NInh Thuận. |
Doanh nghiệp phục hồi và phát triển
Thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực của ngành Ngân hàng, các cơ quan chức năng ở Ninh Thuận cũng đã tập trung, chủ động thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời giải quyết nhanh, đầy đủ các vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiêp phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất quán tinh thần kiến tạo phát triển, các cơ quan chức năng ở địa phương luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp...
Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn gặp không ít khó khăn do những biến động của tình hình kinh tế chung. Tuy nhiên, cùng với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cũng như “sức khoẻ” của cộng đồng doanh nghiệp trong 9 đầu năm 2023 vẫn đạt được các kết quả tích cực.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở Ninh Thuận đang khởi sắc. |
Cụ thể, đến cuối tháng 9, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm 2024 tăng 8,00% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 4/14 khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2024 tăng 0,6%. Tính đến ngày 20/9, có 331 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 4.162,4 tỷ đồng. Số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp thành lập mới 1.918 lao động, tăng 21,6% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 84 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, điều đó cho thấy các giải pháp điều hành kinh tế của Ninh Thuận ngày càng phát huy hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, Ninh Thuận sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khuyến khích mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã cam kết, với chủ trương xuyên suốt là đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất quán tinh thần kiến tạo phát triển, địa phương sẽ luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp…