Đầu tư công: Quyết liệt về đích (Kỳ 2)
Mục tiêu cao cho hoài bão lớn
Nhu cầu lớn, kỳ vọng lớn
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của 47 bộ, cơ quan và 63 địa phương, dự kiến nhu cầu vốn tối thiểu năm 2025 cho chi đầu tư phát triển là 903.600 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách trung ương là 370.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 533.100 tỷ đồng). Trong khi đó, về khả năng cân đối vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến chi đầu tư phát triển là 790.700 tỷ đồng (gồm: vốn ngân sách trung ương là 315.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 475.700 tỷ đồng).
Dự kiến tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước sẽ chiếm khoảng 29% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2025, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư công và phấn đấu giải ngân hết kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao. Việc giải ngân được hết nguồn vốn đầu tư công năm tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo động lực cho sự phục hồi và phát triển của nhiều ngành công nghiệp trọng yếu.
Kế hoạch đầu tư công 2025 được kỳ vọng tạo ra những đột phá quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là các dự án đường cao tốc, đường ven biển, và các dự án có tính liên kết vùng. Đặc biệt, các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường Hồ Chí Minh và một loạt dự án mới được khởi công khác sẽ giúp cải thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ của các địa phương (dự kiến trong năm tới đưa vào sử dụng hơn 3.000 km đường bộ cao tốc).
Bên cạnh đó, nếu hoàn thành mục tiêu đầu tư công, các vấn đề tồn đọng như nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả các khoản vốn ứng trước cũng sẽ được giải quyết triệt để. Điều này không chỉ giúp cải thiện tình hình tài chính công mà còn tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thu hút thêm vốn đầu tư xã hội vào các lĩnh vực hạ tầng và phát triển.
Dù có nhiều kỳ vọng, nhưng việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 vẫn sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Mặc dù đã có nhiều thành tựu nhưng kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với các điểm nghẽn về năng lực cạnh tranh, tính tự chủ và khả năng ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài, nhất là trong bối cảnh quốc tế và khu vực vẫn còn nhiều biến động khó lường. Các vấn đề như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thực hiện đầu tư công. Cơn bão số 3 vừa qua và những hệ quả của bão lũ để lại vẫn kéo dài đến nay là một dẫn chứng. Nhiều cơ sở hạ tầng đường sá, cầu, cống, điện, cấp thoát nước, viễn thông, các công trình hạ tầng thủy lợi… bị tàn phá. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng; tác động khiến tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm dự báo chậm lại và tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể giảm 0,15% (so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8% - 7%). Điều này cũng đòi hỏi một phần nguồn lực đầu tư trong thời gian tới sẽ cần dành ra để khắc phục các hậu của bão lũ.
Quyết tâm và đồng bộ trong thực hiện
Về mặt triển khai thực hiện, việc chậm giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục hành chính rườm rà và sự phối hợp không đồng bộ giữa các cấp chính quyền… vẫn là những vấn đề lớn có thể cản trở tiến độ giải ngân. Những dự án có quy mô lớn như các tuyến đường cao tốc liên vùng đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ, đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, nếu không sẽ khó đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ…
Trong đó, một thực trạng cần đặc biệt lưu ý là tỷ lệ giải ngân trong những tháng đầu năm luôn thấp, chỉ có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Tình trạng này lặp lại trong nhiều năm qua, cho thấy vấn đề có “tính đặc thù” này của giải ngân vốn đầu tư công chưa giải quyết được và có thể tiếp tục là trở ngại cho hoàn thành kế hoạch 2025.
Dù thách thức còn nhiều, song bên cạnh đó cũng có những điểm thuận lợi để đầu tư công 2025 hoàn thành mục tiêu, thậm chí vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, dự kiến dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi (trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024 theo quy trình 01 kỳ họp) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, qua đó giúp khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển không chỉ cho năm 2025 mà cả việc xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn thời gian tới. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật liên quan khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực từ 1/8/2024 và việc tổ chức triển khai có hiệu quả tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng sẽ góp phần để đầu tư công “chạy” tốt hơn…
Tuy nhiên, để giải quyết những thách thức cũng như tận dụng được những thuận lợi nêu trên, qua đó hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2025, cần một loạt giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Trong đó, cần triển khai mạnh mẽ ngay từ đầu năm các biện pháp thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn, quyết liệt giải quyết dứt điểm tình trạng giải ngân chậm đầu năm. Các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch, bảo đảm các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai để giải ngân có chuyển biến tích cực ngay từ đầu năm. Việc đặt ra các mức (tỷ lệ) giải ngân tối thiểu phải đạt được trong quý I, quý II/2025 nên chăng cần xem xét đặt ra.
Nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, bảo đảm lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng tiến độ quy định. Thực tế cho thấy, một yếu tố then chốt để có thể giải ngân tốt là chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư. Các dự án cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt quy hoạch, sử dụng đất, đảm bảo có đầy đủ mặt bằng sạch để thi công ngay từ đầu, hạn chế tình trạng vướng mắc trong quá trình triển khai. Đáng chú ý, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có quy định cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án. Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, điều này là rất hợp lý, giúp tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong việc triển khai dự án. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2025, thì việc ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn cũng cần được ban hành sớm sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực.
Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo phân công cần có giải pháp đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án hạ tầng lớn, nhất là các dự án giao thông quốc gia có tính liên vùng. Thường xuyên theo dõi bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu chủ yếu phục vụ dự án đầu tư công, đề xuất các giải pháp để bảo đảm cung cầu, ổn định giá cả vật liệu xây dựng. Công tác nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư cho dự án cần được thực hiện nghiêm theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tạo sự chủ động đi cùng với các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2025, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Duy trì hoạt động của các Tổ công tác của Chính phủ, cơ chế hàng quý thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương… để chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời. Cùng với đó, kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công cần được tăng cường, có chế tài xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn.