Đẩy mạnh xúc tiến thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Quang cảnh hội nghị. |
Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức vào ngày 06/9/2024 tại thành phố Cần Thơ.
Liên kết chưa mang tính dài hạn
Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về đất đai, nguồn nước thuận lợi nên diện tích cây ăn trái tăng nhanh qua từng năm. Bên cạnh lúa, thủy sản thì trái cây cũng là một thế mạnh trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu của vùng.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, rất nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, như nhóm hàng rau quả, gạo, tôm..., phần lớn đến từ Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long 7,6 triệu tấn.
Nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 19,5 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu 6,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8 % so với cùng kỳ năm trước. Ba địa phương có kim ngạch tỷ USD lần lượt là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.
Tính chung đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thuỷ sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại...
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trong thời gian qua, liên kết xúc tiến thương mại cho sản phẩm thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn một số khó khăn, hạn chế. Sự liên kết giữa các tỉnh và thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa chặt chẽ.
Mỗi địa phương có các kế hoạch xúc tiến thương mại riêng lẻ, thiếu sự thống nhất và đồng bộ, dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực và kém hiệu quả trong việc xây dựng thương hiệu chung cho vùng. Các tỉnh, thành phố cạnh tranh với nhau trong việc thu hút đầu tư và thị trường, thay vì hợp tác để tạo ra các chuỗi giá trị mạnh hơn và toàn diện hơn.
Liên kết xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong Đồng bằng sông Cửu Long chưa có một chiến lược rõ ràng và mang tính dài hạn. Các hoạt động liên kết thường ngắn hạn, thiếu sự kế thừa v phát triển bền vững. Việc điều phố, thúc đẩy và giám sát các hoạt động liên kết thương mại, triển khai các chính sách và chương trình tại từng địa phương còn chậm và thiếu hiệu quả.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung, công tác xúc tiến thương mại hiện nay của vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu sự đồng bộ. Một số hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn vùng nói riêng và cả nước nói chung còn có sự chồng chéo, trùng lặp; sự phối hợp giữa các tổ chức xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, manh mún, rời rạc.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Sử cho biết, thông tin về thị trường, đối tác, và cơ hội xúc tiến thương mại giữa các tỉnh trong vùng còn hạn chế. Điều này làm giảm khả năng phối hợp và tối ưu hóa các hoạt động xúc tiến thương mại. Thiếu các cơ sở dữ liệu chung, các kênh truyền thông và hệ thống thông tin liên kết giữa các địa phương khiến việc trao đổi thông tin bị phân tán và không đồng bộ.
Lĩnh vực logistics chưa phát triển, tạo thành điểm nghẽn
Theo ông Trần Quốc Toàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành của vùng và đặc biệt là Ủy ban điều phối vùng cần tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển mạng lưới giao thông; triển khai nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ để phát triển sản xuất xuất khẩu bền vững.
Ngoài ra, các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư; tăng cường xúc tiến thương mại trên nền tảng số giúp các doanh nghiệp, địa phương khai thác tốt các thông tin về cửa khẩu, xuất nhập khẩu hàng hóa; phát triển các loại hình dịch vụ gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics.
Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, TP Cần Thơ cũng như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Một trong những nguyên nhân là lĩnh vực logistics chưa phát triển, tạo thành điểm nghẽn, hạn chế năng lực cạnh tranh, cơ hội đưa sản phẩm của vùng đến với người tiêu dùng.
Do đó, để phát triển nhanh và bền vững, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường năng lực liên kết hoạt động xúc tiến và phát triển xuất khẩu, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng,…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, mặc dù có những kết quả nhất định, song nhận định, quy mô kinh tế của vùng chỉ chiếm hơn 12% so cả nước, tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương trong vùng còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu, một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức; chưa hình thành được các cụm sản xuất, dịch vụ liên kết ngành. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kinh tế kỹ thuật cấp Vùng chưa phát triển đồng bộ; khả năng thu hút nguồn lực đầu tư thấp, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững.
"Các địa phương trong vùng cùng tập trung trao đổi và bàn thảo giải pháp tăng cường các mặt mạnh, giảm thiểu các mặt yếu nội tại của vùng để góp phần đưa các hoạt động thương mại nội vùng, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu của vùng khởi sắc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", Thứ trưởng Phan Thị Thắng chia sẻ.
Cụ thể, tập trung thảo luận vào phương hướng đẩy mạnh phát triển một số lĩnh vực xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với vùng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chuyển đổi số và liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng, phát triển dịch vụ logistics và sự phối hợp của doanh nghiệp phân phối trong hoạt động xuất nhập khẩu của vùng.