Đẩy nhanh việc hoàn thiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP
Tận dụng tối đa thỏa thuận JETP Việt Nam |
Tháng 12/2022, Tuyên bố Chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP) được Việt Nam và các thành viên IPG, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italia, Canada, Đan Mạch và Na Uy công bố.
JETP là một trong những giải pháp giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển các-bon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu; đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0.
Ngày 31/8/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thực hiện JETP tại Quyết định số 1009/QĐ-TTg, thiết lập cơ sở pháp lý để Việt Nam thực hiện Tuyên bố JETP. Đề án đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm gồm: (1) hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; (2) thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; (3) phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; (4) sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (5) nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; (6) chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải; (7) đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; (8) bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; (9) truyền thông, nâng cao nhận thức; và (10) thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng.
Theo nội dung Tuyên bố JETP, phía Việt Nam cần phối hợp với các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Thư ký thực hiện JETP. Trong thời gian qua, Ban Thư ký JETP đã thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, đặc biệt là việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực. Qua các đợt tham vấn, đến nay đã có gần 500 ý kiến góp ý của các bên gửi đến Ban Thư ký JETP để hoàn thiện Kế hoạch huy động nguồn lực.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh: “Kế hoạch huy động nguồn lực là bước đầu triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, thể hiện mong muốn hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam, vừa đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, vừa đáp ứng an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận tới các nguồn năng lượng với giá hợp lý đối với đại bộ phận người dân Việt Nam. Kế hoạch huy động nguồn lực là tài liệu mở, luôn được điều chỉnh, cập nhật và có sự tham gia rộng rãi của mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.
Ông Thomas Wiersing, Đại diện lâm thời Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tham vọng lớn đạt phát thải ròng bằng 0 thể hiện tại COP26 cũng như trong Quy hoạch Điện VIII của Chính phủ Việt Nam cho thấy rõ cần phải có các các biện pháp cụ thể cho tất cả các lĩnh vực thuộc ngành năng lượng cũng như của nền kinh tế. JETP sẽ là một công cụ hữu hiệu và Kế hoạch huy động nguồn lực sẽ là bước đầu tiên, vạch ra tham vọng, hướng đi, các cải cách chính sách và các cơ hội giúp thúc đẩy quá trình này”.
Cùng quan điểm, Ngài Mark George, Tham tán Khí hậu Vương quốc Anh, Đại sứ quán Anh cho biết: “Kế hoạch huy động nguồn lực là cơ hội để thiết lập một lộ trình hiện thực hóa tham vọng của Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng công bằng, theo hướng thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội quốc gia, tăng cường an ninh năng lượng và khả năng cạnh tranh”.
Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, tiếp thu những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, phối hợp chặt chẽ với Nhóm các đối tác quốc tế, các định chế tài chính và các Quỹ đầu tư tài chính khí hậu toàn cầu, Liên minh tài chính Glassgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 để triển khai thành công Tuyên bố JETP.
Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần tập trung hoàn thiện, thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng. Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải. Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; truyền thông nâng cao nhận thức và thúc đẩy hợp tác, huy động nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng.
Tại hội thảo, một trong những đề xuất được bà Ramla Khalidi, trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đưa ra là chính quyền cấp trung ương và cấp tỉnh cần lồng ghép các ưu tiên JETP vào các chiến lược, kế hoạch ngành, kế hoạch tỉnh để triển khai hiệu quả JETP trong bối cảnh kế hoạch hàng năm giai đoạn 2024-2025 đang trong giai đoạn thực hiện và kế hoạch đầu tư trung hạn 2026-2030 chuẩn bị bắt đầu. Cùng với đó, cần nhanh chóng tiến hành cải cách chính sách, bắt đầu với việc xây dựng các quy định cho ba lĩnh vực ưu tiên hàng đầu là điện gió ngoài khơi, truyền tải năng lượng và lưu trữ năng lượng.