Để công tác thông tin tuyên truyền không còn mang tính thời vụ
Quang cảnh Diễn đàn “Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững”. |
Sáng 30/8/2023 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững”.
Sử dụng tiết kiệm năng lượng là xu hướng
Theo dự báo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Việc bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn 2020-2025 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan...
Bởi vậy, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, thực hiện sự phát triển bền vững trong điều kiện mới là yêu cầu và xu hướng thời đại trên phạm vi toàn cầu.
TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Phó vụ trưởng - Báo Nhân Dân cho biết, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng là cần thiết và là xu hướng thời đại. Đây cũng là thước đo đánh giá trình độ phát triển cả về nhận thức và hành động thực tiễn, trình độ công nghệ và hiệu quả quản lý vĩ mô và vi mô, cả sản xuất và tiêu dùng nói chung, trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Hơn nữa, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giúp nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng GDP, cải thiện chất lượng sống, gắn liền với mục tiêu giữ gìn, tái tạo lại môi trường, đảm bảo đạt được trạng thái cân bằng giữa ba yếu tố là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, đây cũng một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 (khẳng định lại tại COP27) về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Còn theo TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế, cần thay đổi thói quen và nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của người lao động một cách thực chất. Các khu công nghiệp, nhà xưởng sản xuất có mức sử dụng năng lượng cao nên việc tuyên truyền cho công nhân các lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng, phát động các phong trào thi đua và tổ chức các hoạt động khen thưởng tập thể, cá nhân có ý thức trách nhiệm trong tiết kiệm năng lượng đi đôi với biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp lãng phí trong sử dụng năng lượng có ý nghĩa thiết thực.
Bên cạnh đó, việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001:2011 - Quản lý năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng chất lượng cao giúp cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả thông qua kiểm soát được việc sử dụng năng lượng một cách chặt chẽ, bền vững và hệ thống, để từ đó tìm ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn mang tính thời vụ
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.
Với vai trò, vị trí của mình, báo chí đã phản ánh chính xác kịp thời các chủ trương đường lối của Đảng. Đã có rất nhiều tác phẩm báo chí tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giảm tiêu hao năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; khuyến khích tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó tổng biên tập Báo Nghệ An chia sẻ, xác định tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, nhiều năm qua, Báo Nghệ An đã có nhiều bài viết tuyên truyền lĩnh vực này, trong đó chủ công là hai phòng kinh tế và thời sự. Quá trình tuyên truyền có sự phối kết hợp với Trung tâm tiết kiệm năng lượng, Sở Công Thương Nghệ An, Điện lực Nghệ An.
Báo Nghệ An đã xây dựng chương trình, kế hoạch, giao cho hai phòng chuyên môn bám nắm địa bàn, các ngành để tổ chức thực hiện các tuyến bài trên các ấn phẩm của báo Nghệ An.
Báo đã kịp thời đưa các tin, bài liên quan đến công tác tiết kiệm điện, các cuộc vận động tiết kiệm điện giữa ngành điện và các trường học, các huyện, đề xuất các cơ chế, giải pháp đặc thù để khuyến khích nhiều đối tượng sử dụng điện khác nhau cùng chung tay tiết kiệm điện, từ đó nhân rộng những mô hình, những giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả...
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, hiện công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn mang tính thời vụ.
Để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững.
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho rằng, báo chí chỉ có thể góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu ưu tiên trong quản lý, sử dụng và phát triển năng lượng khi nắm rõ đó là gì, bởi vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin thường xuyên từ các cơ quan chuyên ngành lĩnh vực năng lượng.
Theo bà Nguyễn Thị Sự, do là lĩnh vực chuyên ngành đặc thù, cần có kiến thức chuyên môn, vì vậy Hội Nhà báo và các cơ quan chuyên ngành quan tâm việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên làm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền lĩnh vực này.