Để đảm bảo nguồn nhân lực khám chữa bệnh
Nhiều khó khăn
Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, tại TP. Đà Nẵng có 248 cán bộ y tế nghỉ việc. Trong đó, có 119 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 14 kỹ thuật y, 4 hộ sinh, 12 dược, 57 chức danh khác. Cũng trong thời gian này, ngành Y tế TP. Đà Nẵng có 83 nhân viên y tế nghỉ công tác theo chế độ. Trong đó, có 18 bác sĩ, 19 điều dưỡng, 11 y sĩ, 3 dược sĩ, 3 hộ sinh, 3 kỹ thuật y và 26 nhân lực khác. Hiện trạng này khiến cho nguồn nhân lực của ngành Y tế, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân thiếu hụt đáng kể.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Song nguyên nhân sâu xa là do áp lực công việc với cường độ cao, khối lượng công việc quá nhiều… Cùng đó, cán bộ ngành Y phải tham gia đào tạo liên tục, thường xuyên để cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; nguy cơ mắc bệnh và tai nạn nghề nghiệp cao; không có thời gian chăm sóc gia đình; chế độ tiền lương và ưu đãi chưa tương xứng. Điều này càng rõ nét trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong hơn 2 năm qua. Đặc biệt, hiện đội ngũ cán bộ y tế còn có tâm lý e ngại, không được bảo vệ trong khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và quản lý...
Thời gian qua, nhiều cán bộ y tế nghỉ việc, khiến công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn |
Thực tế cũng cho thấy, công tác phát triển nguồn nhân lực ngành Y của Đà Nẵng lâu nay đã bộc lộ một số bất cập. Việc thu hút, giữ chân đội ngũ nhân lực y tế có chất lượng tại tuyến y tế cơ sở, một số bệnh viện chuyên khoa đặc thù như Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phục hồi chức năng và đơn vị không giường bệnh như Trung tâm cấp cứu, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Giám định Y khoa… gặp nhiều khó khăn.
Đội ngũ chuyên gia y tế đáp ứng với định hướng phát triển thành trung tâm y tế hiện đại, chất lượng cao của khu vực còn thiếu. Sự cạnh tranh trong thu hút nhân lực dẫn đến sự thiếu ổn định về nhân lực tại các đơn vị. Các đơn vị thực hiện tự chủ gặp khó khăn trong việc cử cán bộ y tế đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ do nguồn thu chưa đảm bảo. Cơ cấu nhân lực mất cân đối theo lĩnh vực và theo tuyến; công tác đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ y tế chưa hợp lý, chưa có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ y tế về công tác ở các địa phương, đơn vị đặc thù khó khăn.
Đề xuất giải pháp ổn định nguồn nhân lực
Trước thực trạng đó, để đảm bảo đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân, Sở Y tế Đà Nẵng đang đề xuất xây dựng chính sách tổng thể cho cán bộ y tế khu vực công giai đoạn 2022-2025. Việc xây dựng chính sách này nhằm góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế trong sử dụng nhân lực, giúp cán bộ y tế yên tâm và gắn bó với ngành.
Theo Sở Y tế TP. Đà Nẵng, việc xây dựng chính sách tổng thể cho cán bộ y tế trong giai đoạn hiện nay là phù hợp và cần thiết để góp phần giải quyết bất cập, hạn chế trong sử dụng cán bộ y tế, tạo sự yên tâm để cán bộ y tế cống hiến, gắn bó với ngành. Có 3 nhóm giải pháp cơ bản được Sở Y tế đề xuất.
Giải pháp thứ nhất, thực hiện chính sách hỗ trợ, phụ cấp cho nhân lực y tế các tuyến, chính sách đặc thù, cho y tế tuyến cơ sở và một số đơn vị khó khăn. Cụ thể, mức hỗ trợ đối với viên chức, hợp đồng lao động tại Trung tâm Pháp y, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần và công chức tại Sở Y tế như nhân lực bác sĩ 1,5 triệu đồng /người/tháng; bộ phận trực tiếp (không bao gồm bác sĩ) làm công tác chuyên môn y tế 1 triệu đồng/người/tháng; bộ phận gián tiếp, hành chính 500 ngàn đồng/người/tháng.
Đối với viên chức, hợp đồng lao động tại các Trạm Y tế, mức hỗ trợ đối với nhân lực bác sĩ 5 triệu đồng/người/tháng; bộ phận trực tiếp (không bao gồm bác sĩ) làm công tác chuyên môn y tế 700 ngàn đồng/người/tháng. Đối với viên chức, lao động công tác tại các đơn vị y tế công lập còn lại, các đơn vị được nhà nước đảm bảo toàn bộ và đơn vị được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí chi thường xuyên, mức hỗ trợ nhân lực bác sĩ 1 triệu đồng/người/tháng; các chức danh khác 500 ngàn đồng/người/tháng (tương đương 0,4 lần lương cơ sở). Các đơn vị tự chủ chi thường xuyên chi hỗ trợ, mức hỗ trợ nhân lực bác sĩ 700 ngàn đồng/người/tháng; các chức danh khác 500 ngàn đồng/người/tháng.
Nếu thực hiện chính sách ưu đãi này, mỗi năm thành phố chi gần 54 tỷ đồng để phụ cấp cho nhân lực y tế các tuyến, chính sách đặc thù, cho nhân lực y tế tuyến cơ sở và một số đơn vị khó khăn.
Nhóm giải pháp thứ 2, thực hiện đào tạo bồi dưỡng phù hợp với điều kiện của từng tuyến y tế và đơn vị; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng ekip chuyên khoa sâu. Nếu thực hiện giải pháp này, tổng kinh phí chi mỗi năm gần 5 tỷ đồng. Trong đó, các bác sĩ là công chức, viên chức, đối tượng thu hút, đối tượng đào tạo theo chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Y tế TP. Đà Nẵng sẽ được cử đi đào tạo sau đại học các chuyên ngành theo quy định của pháp luật cần phải có Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Ngân sách hỗ trợ học phí khóa đào tạo theo quy định; các khoản khác do đơn vị cử đi và cá nhân chi trả. Trong đó, hỗ trợ 2 năm đối với đào tạo bác sĩ/dược sĩ chuyên khoa 2 và 3-4 năm đối với đào tạo tiến sĩ…
Nhóm giải pháp thứ 3, thu hút bác sĩ đa khoa và sau đại học để phát triển nhân lực chất lượng cao tại khu vực công được phân thành 2 nhóm. Đối với các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa hạng I sẽ áp dụng các tiêu chuẩn, điều kiện theo Quyết định 28/2019/QĐ-UBND về quy định về thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công TP. Đà Nẵng. Đối với các bệnh viện hạng II trở xuống, các trung tâm y tế quận/huyện, trung tâm chuyên ngành sẽ thực hiện thu hút bác sĩ đa khoa và chuyên khoa sau đại học…
Mục tiêu xây dựng chính sách nhằm tạo căn cứ để triển khai chế độ hỗ trợ đối với cán bộ y tế khu vực công lập; khắc phục hạn chế về nhân lực y tế. Hướng đến mục tiêu đảm bảo mức hỗ trợ, phụ cấp tương xứng với các chế độ, chính sách hiện có của Trung ương và đảm bảo chính sách thỏa đáng đối với chế độ làm việc và tính chất công việc đặc thù của người cán bộ y tế tại Đà Nẵng.
Đồng thời, phát huy mục tiêu của chính sách phát triển đội ngũ nhân lực y tế tại khu vực công lập đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, tối ưu về phân bố giữa các lĩnh vực, địa bàn; tạo điều kiện phát triển ngành y tế Đà Nẵng để thực hiện mục tiêu mọi người dân được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng; được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số. Qua đó, đáp ứng yêu cầu xây dựng Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị...