Để giúp doanh nghiệp thích nghi và tồn tại
Khoanh, xóa nợ thuế: Cần minh bạch và đúng đối tượng | |
Vì sao gói hỗ trợ lần đầu không hiệu quả? | |
Doanh nghiệp nội tính kế hút vốn ngoại |
Theo nhận định của các chuyên gia, làn sóng Covid-19 thứ hai đang quay trở lại với mức độ phức tạp, khó dự đoán hơn nhiều so với trước. Bài toán đặt ra cho các DN là phải bảo đảm hoạt động vận hành kinh doanh, tăng cường quản trị nội bộ, cải tiến hoạt động bán hàng cũng như quản lý tài chính, để có thể tối ưu nguồn lực, tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao hiệu suất, từ đó tạo nền tảng để các DN vượt qua khó khăn, tồn tại và phát triển.
Bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng, hoạt động bán hàng chính là ưu tiên số một mà DN cần tập trung tháo gỡ trong bối cảnh Covid-19 quay trở lại. Khi tư duy tiêu dùng thay đổi, DN phải thay đổi tư duy bán hàng theo hướng thận trọng hơn, ứng phó nhanh nhạy hơn trước biến động thị trường. Covid-19 cũng là cơ hội rà soát hệ thống, đánh giá hiệu quả quản trị, đưa ra những chiến lược tinh gọn để tiết kiệm chi phí cũng như phù hợp với xu hướng thị trường.
Triển khai ứng dụng CNTT là nhu cầu tự thân của DN, chứ không phải là một trào lưu nhất thời |
Chuyển đổi số đang được xem là một trong những giải pháp quan trọng để DN có thể tồn tại trong điều kiện khó khăn hiện nay và tạo đà bứt phá trong tương lai. Theo đó, giá trị của chuyển đổi số dễ nhận thấy ở những yếu tố như nâng cao hiệu suất công việc, tối ưu thời gian và quy trình, giảm thiểu chi phí. Chia sẻ về vấn đề này, một Giám đốc Công nghệ thông tin cho biết, trước đây thời gian trung bình để xử lý một vấn đề ở DN là khoảng 40 giờ, nhưng hiện nay, với DN ứng dụng số hóa đã rút ngắn công đoạn xuống còn 3 giờ. Nếu đem con số này ứng vào các DN lớn, quy mô vận hành hàng nghìn nhân viên thì hiệu quả có sẽ rất rõ ràng. Hay như việc sử dụng số hóa để xử lý các tác vụ ở những ngân hàng cũng rất nhanh, chỉ mất trung bình 11 giây để thực hiện, cũng như có thể giảm tới 98% số công việc đơn giản mà con người đang thực hiện.
Nhiều DN thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) vừa qua cũng đã ứng dụng chuyển đổi số để thiết lập nền tảng Hope giúp DN nội thất, gỗ chuyển sản phẩm lên mô hình 3D, mở triển lãm online và đã bán được hàng qua kênh này. Như vậy, số hóa hay chuyển đổi số hiện nay không còn là bài toán quá khó với hầu hết các DN ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, các giải pháp để tự động hóa, chuẩn hóa quy trình ngày nay có nhiều hệ thống hỗ trợ như công nghệ API, AI, robot...
Theo các chuyên gia, muốn thực hiện được chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy chuyển đổi số, mà quan trọng nhất là người làm chủ. Và các DN càng nhỏ, mô hình đơn giản càng dễ áp dụng chuyển đổi số. Vì các DN có thể làm thử và khi sai có thể làm lại mà không mất nhiều thời gian, tiền của.
Trong điều kiện hiện nay, ngoài chuyển đổi số, các DN cũng cần xem lại cách tiếp cận khách hàng, thay vì các cửa hàng bày bán, có thể phát triển kênh online. Một số giải pháp số mà DN ứng dụng để giới thiệu sản phẩm như công nghệ 3D, real-time, cho phép trình chiếu, mang đến trải nghiệm online cho khách hàng qua màn hình máy tính, mobile...
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, kinh tế nền tảng số là xu thế và đòi hỏi tất yếu của kinh tế thị trường, nếu không tham gia vào quá trình này, DN sẽ bị đẩy ra ngoài cuộc. Những DN chuyển đổi số thành công, thì năng suất hiệu quả tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, chuyển đổi số là quá trình không đơn giản, tỷ lệ DN chuyển đổi số thành công chiếm khoảng 50%.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc triển khai ứng dụng CNTT là nhu cầu tự thân của DN, chứ không phải là một trào lưu nhất thời. Ở Việt Nam chủ yếu là DN có quy mô nhỏ, nên việc triển khai ứng dụng CNTT sẽ thuận lợi hơn so với những DN quy mô quá lớn, cồng kềnh. Hạ tầng CNTT đang phát triển, nhân sự của Việt Nam tương đối trẻ và mức độ thích nghi với công nghệ cũng được đánh giá là tốt… Đây là những điều kiện giúp các DN Việt Nam nhanh chóng chuyển đổi số để thích ứng.