Vì sao gói hỗ trợ lần đầu không hiệu quả?
Đề xuất gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp và lao động gặp khó khăn | |
Ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm thêm lãi suất | |
Phục hồi kinh tế cần các giải pháp khả thi |
DN không mặn mà gia hạn tiền thuế
Là DN xã hội sản xuất và kinh doanh hàng thủ công do những người khuyết tật sáng lập và tạo việc làm cho người khuyết tật, nên những ngày tháng này, Kym Việt lại càng gặp thêm nhiều khó khăn trước các tác động của đại dịch Covid-19. Thế nhưng hiện Kym Việt vẫn chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh và người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. “Chúng em có dám cho người lao động nghỉ việc đâu, nên không đủ điều kiện để được hỗ trợ. Cố cầm cự thôi, dồn tất cả những gì tích lũy được để người làm vẫn có thu nhập, nhưng cũng chỉ cố được mấy tháng”, Phạm Việt Hoài – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty chia sẻ.
Nhiều DN cố gắng cầm cự, không sa thải lao động |
Đó cũng là câu chuyện chung của khá nhiều DN khác. Anh T- giám đốc một công ty sản xuất đã phải rao bán tài sản để có tiền duy trì việc làm cho công nhân. “Không thể để họ ra đường lúc này. Dù không được như trước, nhưng cũng phải duy trì cho họ có thu nhập”, anh T. chia sẻ. Thế nhưng cũng bởi không để người lao động mất việc mà DN này trở thành không đủ điều kiện để tiếp nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Trong khi gói hỗ trợ gia hạn thuế cũng không ý nghĩa với DN này vì “mấy tháng nay chúng tôi không có doanh thu”.
Theo các chuyên gia, hầu hết các DN đang khó khăn về dòng tiền, bởi vậy chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất dù là biện pháp tốt về ý nghĩa, nhưng thực tế thì cũng không giảm được bao nhiêu khó khăn cho DN. Bởi việc gia hạn chỉ là cho phép DN lui lại thời gian nộp thuế chứ không phải là miễn, trong khi thời gian được gia hạn quá ngắn chỉ là 5 tháng, tức ngày 30/9 tới DN phải hoàn tất nộp thuế của quý I; đến ngày 30/12 phải nộp số thuế của quý II. Trong bối cảnh doanh thu giảm rất mạnh, DN đang rất thiếu tiền để duy trì cho những tháng tiếp theo, song họ vẫn phải xoay sở kiếm tiền nộp thuế.
Đó có thể là lý do khiến số hồ sơ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất gửi đến cơ quan thuế tính đến ngày 27/7/2020 mới ở con số 170.000 với số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 53.000 tỷ đồng, chỉ có 44.600 hộ kinh doanh gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến UBND cấp xã và 11,6 nghìn hồ sơ đã được gửi đến UBND cấp tỉnh để thẩm định. Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng mới chi được 20% với số tiền là 12.400 tỷ đồng hỗ trợ 12,6 triệu đối tượng.
Cần chính sách đúng, trúng, kịp thời
Hiện đại dịch Covid-19 đã quay lại sau một thời gian tạm lắng lại tiếp tục đang chất thêm khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho nền kinh tế. Thực tế đó đang đòi hỏi cần thêm gói hỗ trợ thứ 2. Nhưng để có gói hỗ trợ mới thực sự mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ và kích thích được sản xuất kinh doanh thì cần phải đánh giá lại gói hỗ trợ 1 đang thực hiện. Những vướng mắc hiện tại của các DN chính là những điểm mà chính sách cần sửa đổi.
Khi trao đổi về các gói hỗ trợ đang thực hiện, hai vị chuyên gia thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng là TS. Võ Trí Thành và TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, chính sách ban hành đúng, trúng, nhưng lại trở thành không hiệu quả vì đi kèm theo đó là các điều kiện quá chặt chẽ, không phù hợp với bối cảnh “thời chiến” chống dịch bệnh. Những điều kiện này đã trở thành rào cản khiến DN và người dân không tiếp cận được với các gói hỗ trợ. Đó là một lưu ý quan trọng cho việc ban hành chính sách dù đúng, chính xác nhưng cũng cần điều kiện thực hiện khả thi và hiệu quả.
Còn với gói hỗ trợ an sinh xã hội, do quản lý dân cư rất kém, cộng thêm tâm lý sợ trách nhiệm khiến nơi ban hành chính sách đưa ra những điều kiện chặt chẽ. Trong khi trong quá trình thực hiện, tâm lý sợ sai đối tượng, sợ nhầm địa chỉ đang phổ biến ở nhiều nơi, khiến chính sách hỗ trợ không đến được người cần. Chính vì thế đến nay số người đã nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng mới chỉ bằng 2-5% số người dự kiến. Trong đó phần lớn là người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội vì họ vốn đã có trong danh sách ở các địa phương. Còn phần lớn người lao động bị mất việc làm do dịch bệnh, mất thu nhập, nhất là người lao động xa nhà, chưa tiếp cận được sự hỗ trợ này.
Bởi vậy, các chuyên gia đề nghị nên kéo dài các gói hỗ trợ lần thứ nhất sang năm 2021, nhưng cần điều chỉnh các điều kiện cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó cũng cần xem xét đưa ra gói hỗ trợ thứ hai, song cũng phải được đúc rút từ những bài học của gói hỗ trợ lần thứ nhất. Theo đó gói hỗ trợ lần thứ hai phải có quy mô đủ lớn, đồng thời phải nhanh và đến đúng đối tượng cần được hỗ trợ. Bởi nếu không có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường, cách làm cũng phải khác lúc bình thường thì nền kinh tế khó phục hồi.
Trong cuộc họp ngày 15/8, thảo luận các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư có sự tham gia của một số bộ ngành khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ hơn về gói hỗ trợ với 2 phần. Phần một là các chính sách ban hành, các kết quả đạt được, những hạn chế, đánh giá hiệu quả từng gói hỗ trợ. Phần hai là những chính sách mới, kể cả nguồn lực từ đâu, cái nào làm được ngay trong cuối năm, chính sách dài hạn như thế nào…
Bộ trưởng cho rằng các bộ ngành cần có thống kê, đánh giá tình hình DN và sản xuất kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện đầy đủ mới dựng được bức tranh tổng thể để có chính sách phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực, cần xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng. Từ đó, đưa ra được các gói hỗ trợ cần đủ mạnh về liều lượng và kịp thời hơn, hướng đúng đối tượng để phát huy hiệu quả lớn nhất.