Để Hội An là điểm đến chất lượng
Từ lấy di tích nuôi di tích...
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An chia sẻ: Hiện nay nguồn thu từ vé tham quan được dùng để tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ trùng tu đối với di tích cộng đồng, tư nhân trong thành phố. Chi phí này là rất lớn, trong khi tiền trích lại từ bán vé mỗi năm chỉ đủ trùng tu 7 - 10 căn. Hiện Hội An có khoảng 155 (chiếm 14%) di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, trong số này, hơn 20 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão.
Từ năm 1995 đến nay, phương án phát hành vé tham quan chung cho cả "vùng lõi" khu phố cổ Hội An (khu vực 1) đã nhiều lần thay đổi, cải tiến và hiện được UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đánh giá cao, cho đây là "mô hình mang nhiều ưu điểm" vì quản lý được nguồn vé, tránh tiêu cực xảy ra tại điểm di tích, kiểm soát số lượng khách tham quan. Với giá 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa, mỗi du khách có một ô vé chung để tham quan cảnh quan không gian khu phố cổ, được tham quan và trải nghiệm lối sống của người Hội An với những sinh hoạt hằng ngày, những trò chơi dân gian, xem biểu diễn nghệ thuật cổ truyền trên mỗi góc phố suốt từ 7 - 22 giờ... Du khách cũng tự chọn cho mình điểm đến thuộc nhiều loại hình di tích trong 22 điểm tham quan tiêu biểu. Đối với khách nước ngoài, ô vé tự chọn 6 điểm, khách Việt Nam là 3 điểm.
Ngoài ra, Hội An cũng có một số ưu đãi như khách tham quan đi theo đoàn do các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch tổ chức thì có cơ chế miễn giảm. Cùng với đó là một số ưu đãi "ngoại lệ" khác như khách có chương trình tham quan và lưu trú tại Hội An vài ba ngày, tấm vé tham quan sẽ có giá trị trong suốt thời gian lưu trú. Thực chất vé tham quan không phải dành cho toàn bộ phố cổ Hội An, mà chỉ giới hạn trong khu vực 1 của khu phố cổ, tức "vùng lõi" rộng 4 km2 với mật độ khá cao di tích kiến trúc nghệ thuật, công trình tín ngưỡng, dân dụng. Quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ Hội An được xem như một "bảo tàng sống" về kiến trúc, về đời sống đô thị cổ. Do vậy, mọi hành xử với phố cổ mấy chục năm qua đều được đặt trong tầm nhìn tổng thể và cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng trên tất cả các lĩnh vực.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thanh, truyền hình Hội An cho biết: Việc thu vé tham quan ở Hội An là câu chuyện dài và có nhiều vấn đề. Khu phố cổ Hội An khác với các di sản khác bởi vì đây là “di sản sống” - có người dân sinh sống ở trong khu phố cổ và có rất nhiều ngã ra vào khu phố cho nên việc tổ chức hướng dẫn bán vé tham quan khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Cùng phải thấy rằng, việc du khách mua vé tham quan là tất yếu, bởi từ nguồn thu này, thành phố cũng như các chủ di sản có điều kiện trùng tu di sản, tổ chức các hoạt động phục vụ cho du khách tham quan, tổ chức đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường…cũng như đầu tư cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng trong khu vực phố cổ.
...đến giảm tải và tạo sự công bằng
Từ nhiều năm nay, nguồn thu từ vé tham quan đã góp phần hết sức quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích… Tuy nhiên, một thực tế là có một lượng không nhỏ khách vào phố cổ Hội An nhưng không mua vé. Số liệu ghi nhận từ các bãi giữ xe năm 2022 cho thấy, tổng lượt khách vào phố cổ hơn 1 triệu lượt khách, nhưng chỉ có 300.000 khách mua vé. Theo khảo sát, tỷ lệ khách mua vé tham quan so với lượng khách vào phố cổ chỉ đạt khoảng 40%. Điều này đã tạo nên sự không công bằng giữa người mua vé và người tham quan miễn phí.
Lâu nay có hiện tượng nhiều hãng lữ hành mặc dù bán tour cho khách có tính phí tham quan trong tổng chi phí nhưng tới nơi lại để khách đi tự do mà không mua vé. Trong khi đó nhiều đơn vị lữ hành chân chính bị thiệt thòi bởi vì đã cơ cấu vé tham quan vào giá tour của du khách. Trong đó, nhiều khách tham quan đặc biệt là khách nước ngoài khi đến với Hội An phàn nàn về việc phố cổ quá tải, có những thời điểm không có chỗ để đi.
Mới đây trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, thời gian qua, thành phố thường xuyên nhận được phản ánh từ các đơn vị lữ hành về việc du khách mua vé tham quan nhưng không được thưởng thức đầy đủ, thoải mái các dịch vụ, sản phẩm do quá tải không gian tham quan. Trước thực tế trên, thành phố dự kiến tổ chức lại các hoạt động tham quan với mục đích làm cho việc hướng dẫn, kiểm soát vé chặt chẽ, khoa học hơn đảm bảo công bằng giữa du khách mua vé với không mua vé, giữa các đơn vị lữ hành. Theo nhiều hãng lữ hành, việc siết lại vé tham quan là điều rất cần thiết.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho rằng mức phí hiện chưa tương xứng với giá trị của một di sản. Cùng với đó, vấn đề đặt ra là cách Hội An sẽ ứng xử, tổ chức thu phí thế nào để đảm bảo công bằng; nhất là công khai, minh bạch cho du khách thấy số tiền mình đóng góp đã quay lại với công tác bảo tồn di tích ra sao.
Theo một chuyên gia trong ngành du lịch, có nhiều biện pháp để đảm bảo tính bền vững của ngành du lịch. Cũng có nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề quá tải tại điểm đến như thu phí du lịch, tăng giá vé vào cửa các điểm tham quan hoặc đóng cửa tạm thời các khu vực dễ bị tổn thương như công viên quốc gia và khu bảo tồn biển để phục hồi môi trường. Trong số các giải pháp này, việc thu phí từ du khách được xem là một trong những phương án được lựa chọn nhiều lựa chọn nhằm giảm tải cho điểm đến và hạn chế tác động tiêu cực của du lịch đại trà.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tổ chức lại các hoạt động tham quan mới là đề án và Hội An còn nhiều bước để triển khai. Thành phố sẽ họp với các cơ quan lữ hành; nhà hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, người dân trong khu phố cổ; cơ quan thông tấn, báo chí trước khi có quyết định chính thức. Bên cạnh đó, cách làm của Hội An sẽ hết sức linh hoạt, lắng nghe tất cả mọi phía để Hội An thu hút được nhiều du khách và là điểm đến có chất lượng.