Để không ôm nợ thẻ tín dụng
Ngay khi chính thức trở thành nhân viên của một công ty viễn thông có trụ sở tại Hà Nội, chị Khánh Chi (30 tuổi) được mở thẻ ATM để nhận lương từ một ngân hàng. Một thời gian ngắn sau, chị Chi đã nhận được lời mời mở thẻ tín dụng từ chính ngân hàng này với nhiều ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn.
“Thấy cũng tiện dụng, nhân viên tư vấn mở thẻ khá nhiệt tình nên tôi quyết định mở một thẻ tín dụng”, chị Chi cho biết.
Nhu cầu cao từ khách hàng cùng với "cuộc đua" ưu đãi phát hành thẻ tín dụng của các ngân hàng khiến người dùng dễ dàng có được loại thẻ chi tiêu trước trả tiền sau.
Đua mở thẻ rồi lại… đóng thẻ
Việc mỗi người dân, đặc biệt là ở khu vực thành thị, có ít nhất một thẻ tín dụng trong tay giờ đây trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, chạy theo làn sóng mở thẻ, nhiều khách hàng đã không để ý đến các điều khoản về lãi suất, phạt chậm nộp tiền… để đến khi ôm nợ thì lại tá hỏa đi đóng thẻ.
Nghe giới thiệu dùng thẻ tín dụng với những ưu đãi, giảm giá từ nhiều dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí…, chị Ngọc Tâm (28 tuổi) ngay lập tức mở cho mình đến vài thẻ tín dụng. Chỉ cần một cuộc điện thoại, nhân viên ngân hàng đã đến tận nơi để giúp chị mở thẻ.
Dù vậy, chỉ vài tháng sau, do nhu cầu không dùng đến, lại đọc đến điều khoản về lãi phạt, các loại phí cao nên chị Tâm lại phải tức tốc đi đóng thẻ.
“Lúc mở thẻ, tôi chỉ để ý đến khuyến mại và ưu đãi mà quên mất những điều khoản khác. Với nhiều thẻ tín dụng đã mở, khoảng vài trăm nghìn đồng tiền phí mỗi tháng, vị chi mỗi năm chỉ riêng tiền phí tôi đã mất gần 2 triệu đồng", chị Tâm cho biết.
Tìm hiểu kĩ các điều kiện trước khi mở giúp khách hàng sử dụng thẻ hiệu quả |
Không chỉ "mát kiểm soát" với phí, trên thực tế, nhiều chủ thẻ vẫn chưa nắm rõ cách tính lãi suất, phí phạt... của việc không thanh toán chi tiêu thẻ tín dụng đúng hạn, dẫn đến nhầm lẫn và mất tiền không đáng.
Một thẻ tín dụng thường có lãi suất và phí phạt nếu người dùng chậm thanh toán. Mặc dù đều tính theo tỷ lệ phần trăm, nhưng cách tính lãi suất và phí khác nhau. Khoản tiền lãi phụ thuộc vào số ngày phát sinh nợ và tính trên toàn bộ số tiền đã chi trong kỳ (kể cả khi khách hàng đã thanh toán một phần đúng hạn).
Có hai mốc thời gian người dùng cần nắm rõ là ngày chốt sao kê và hạn chót trả nợ. Ngày chốt sao kê là ngày ngân hàng chốt số tiền khách hàng đã tiêu bằng thẻ tín dụng trong tháng. Thời gian giữa 2 ngày chốt sao kê thường là một tháng. Tuỳ từng ngân hàng, hạn chót thanh toán có thể sau 15-25 ngày tính từ ngày chốt sao kê gần nhất.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn thời gian miễn lãi tính từ ngày phát sinh giao dịch, tuy nhiên thời gian miễn lãi 45 ngày mà nhiều ngân hàng đang quy định là tính từ ngày chốt sao kê.
Nếu khách hàng chắc chắn thanh toán hết toàn bộ số dư nợ trong thời gian miễn lãi, khách hàng sẽ không phải trả bất kỳ khoản lãi suất hay phạt trả chậm nào. Nếu không trả được hết toàn bộ dư nợ, khách hàng có thể thanh toán số tiền tối thiểu (thường là 5% khoản tiền đã chi) để có lịch sử tín dụng tốt cũng như không bị chịu thêm phí phạt dù vẫn phải trả lãi suất.
Khi tới hạn chót mà khách hàng vẫn chưa thanh toán toàn bộ dư nợ, lãi suất thẻ tín dụng sẽ tính trên toàn bộ khoản tiền đã tiêu, thời gian tính lãi bắt đầu từ ngày phát sinh giao dịch đến ngày thanh toán. Lãi suất thẻ tín dụng mỗi ngày được tính bằng cách lấy lãi suất theo năm (tùy từng ngân hàng, loại thẻ...) chia cho 365 ngày.
Ngoài ra, việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng sẽ chịu phí rút (thường là 4%) ngay khi thực hiện giao dịch. Việc rút tiền mặt được xem như vay tiền mặt từ ngân hàng thông qua thẻ nên số tiền khách hang rút sẽ được coi là khoản vay cá nhân nên sẽ bị tính phí ngay lập tức.
Lựa chọn ngân hàng nào?
Các chuyên gia cho rằng, việc nắm rõ cách tính lãi suất, phí phát sinh, cũng như chính sách của ngân hàng sẽ giúp chủ thẻ tối ưu chi tiêu và tài chính.
Về lãi suất cho vay, trong khi phần lớn ngân hàng có lãi suất 20-30% một năm, hai ngân hàng trong nhóm “Big 4” là Vietcombank, BIDV chỉ tính mức lãi từ 15-18% một năm. Phí thường niên của thẻ tín dụng loại thường của nhóm này cũng khá thấp, chỉ dao động quanh mức 100.000 đồng.
Ngoài ra, VIB có loại thẻ tín dụng lãi suất bằng 0 và thời gian thanh toán tối đa là 55 ngày. Ngân hàng không tính lãi suất nhưng khách hàng vẫn mất phí khi thanh toán không đúng hạn. Điều kiện để không mất bất kỳ khoản lãi hay phí nào là phải thanh toán đúng hạn tối thiểu 20% dư nợ đã chi tiêu. Nếu không, khách sẽ chịu phí 1,99% trên toàn bộ dư nợ và phí 4% tính trên số tiền chậm thanh toán.
Loại thẻ miễn lãi này cũng có một số lưu ý kèm theo. Phí thường niên của loại thẻ này là 700.000 đồng, khá cao so với thẻ tín dụng thông thường và mỗi giao dịch thanh toán sẽ bị tính phí 0,99% (phí này khác với phí rút tiền mặt 4%). Ví dụ, bạn quẹt thẻ, mua sắm trong nước một khoản 10 triệu đồng thì sẽ bị tính phí gần 100.000 đồng.
Ngoài ra, một vài ngân hàng như SHB, Sacombank, NCB cũng thu lãi suất thẻ khá thấp so với nhóm cổ phần và ngân hàng nước ngoài, khoảng 22-23% một năm. Ví dụ, thẻ tín dụng mở bằng tài sản đảm bảo của Sacombank có lãi suất 23%, mức phí thường niên thấp nhất là 300.000 đồng và thời gian miễn lãi tối đa lên tới 55 ngày dành cho cả chủ thẻ Visa và Master.
Thời gian miễn lãi tối đa của phần lớn ngân hàng là 45 ngày, tuy nhiên cũng có một vài bên lên tới 55 ngày như Sacombank, OCB, VietCapitalBank. Một ngân hàng khác là NCB cũng miễn lãi tới 50 ngày, lãi suất cũng chỉ dao động quanh 21-25% (nếu mở qua lương) và 18-22% (nếu mở có tài sản đảm bảo).
Ngoài lãi suất, thẻ tín dụng còn có thêm phí phạt khi chủ thẻ không thanh toán đúng hạn số tiền tối thiểu phải trả (thường là 5% dư nợ chi tiêu trong tháng). Mức phí phạt này thường được tính 3-6% trên số tiền chậm thanh toán, tối thiểu từ 100.000 đồng.