Đề nghị loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất
Nhiều công trình bất hợp pháp trong khu đất sân bay Tân Sơn Nhất |
Đáng chú ý, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiến nghị loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất ra khỏi quy hoạch của TP.HCM với lý do, theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông - Vận tải ban hành ngày 31/8/2018, vị trí sân golf sẽ không còn; thay vào đó sẽ bố trí ga hàng hóa, khu nhà chứa máy bay và một phần cây xanh, hồ điều tiết.
Được biết, năm 2010 Khu sân golf và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất được UBND quận Tân Bình phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 với quy mô sân golf 157.29ha. Khu sân golf được quy hoạch thiết kế 36 lỗ kết hợp các dịch vụ đa dạng: Khu vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm hội nghị, khu khách sạn 5 sao, khu nhà ở cho thuê, công trình công cộng, khu kỹ thuật…
Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, cử tri quận Tân Bình bức xúc cho rằng, cơ quan chức năng không lo giải quyết tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất mà lại làm sân golf chỉ phục vụ một số ít người. Thậm chí, nhiều kỹ sư, nhà khoa học cũng yêu cầu các ngành chức năng không để sân golf hoạt động trong sân bay vì sẽ uy hiếp an toàn bay...
Với việc đề xuất xóa bỏ sân golf Tân Sơn Nhất, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cũng đề cập đến việc bổ sung vào quy hoạch sân golf Cần Giờ. Trước đó, năm 2016, UBND TP.HCM đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đưa vào danh mục quy hoạch phát triển sân golf có quy mô 146,68ha ở khu vực ven biển thuộc xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, phía Nam huyện Cần Giờ.
Ngày 29/10/2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã báo cáo UBND thành phố về giải trình, hoàn chỉnh hồ sơ bổ sung quy hoạch sân golf Cần Giờ thuộc đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Vấn đề này được nhận định ngoài những mặt tích cực như tạo ra việc làm, hình thành một điểm du lịch, giải trí gắn với nghỉ dưỡng khi đi vào hoạt động...
Tuy nhiên, thực tế cũng đã xuất hiện những hạn chế như vấn đề ô nhiễm môi trường do các hóa chất trồng cỏ chảy xuống mạch nước ngầm lan vào các khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Chính vì vậy, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đề xuất áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh sân golf một cách chặt chẽ. Từ đây, có thể xem xét sử dụng đất lúa năng suất thấp để chuyển mục đích sang xây dựng sân golf , nhưng điều kiện kèm theo là phù hợp quy hoạch xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc lập luận “do sân golf là một loại hình dịch vụ cao cấp không dành cho đa phần dân cư, dự án sân golf thường sử dụng nhiều đất đai, do đó điều kiện đầu tư kinh doanh phải hết sức chặt chẽ, để tránh lãng phí quỹ đất và việc quy hoạch sân golf cần được tính toán hợp lý, tránh việc quy hoạch sau đó xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất đô thị với lý do kinh doanh không hiệu quả...”.
Ngoài ra, cần xem xét, bổ sung thêm các quy định, quản lý nhà nước, thẩm quyền liên quan đến các dự án bất động sản (căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng…) bên trong dự án sân golf.