Để tăng trưởng kinh tế không quá xa mục tiêu
Kinh tế Việt Nam tiếp tục là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế toàn cầu Nhiều chỉ tiêu kinh tế khó hoàn thành nếu không đột phá hơn Năm 2024, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cần nỗ lực rất lớn |
Tăng trưởng GDP chỉ trên 5%
Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trước Quốc hội ngày 23/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục. Một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch gồm: Tốc độ tăng GDP; GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội. Trong báo cáo trình bày trước Quốc hội, Chính phủ khẳng định nỗ lực phấn đấu để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%.
Đáng chú ý với tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ đạt 4,24% và các tác động kép tiếp diễn từ các yếu tố tiêu cực, bất định gia tăng bên ngoài, cũng như các yếu kém nội tại tích tụ của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn, tăng trưởng kinh tế dự kiến không thể đạt được mục tiêu đề ra năm nay. Bởi ngay cả khi quý IV này có được mức tăng trưởng cải thiện hơn nhiều (đạt quanh 7%) thì tăng trưởng GDP cả năm nay chỉ khoảng 5%. Thực tế trong các báo cáo cập nhật mới nhất, ngoài một vài dự báo tích cực hơn như mức 5,8% theo ADB, còn lại hầu hết các dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế gần đây đều xoay quanh mức tăng trưởng này (IMF và WB dự báo 4,7%; HSBC dự báo 5%; Standard Chartered dự báo 5,0%...).
Theo báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered đưa ra ngày 24/10 đã điều chỉnh giảm khá mạnh GDP Việt Nam từ mức 5,4% trong dự báo trước đó vào tháng 9. Lý giải về lý do hạ dự báo này, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam (Ngân hàng Standard Chartered) cho biết, điều này phản ánh dữ liệu kinh tế từ đầu năm cho đến nay thấp hơn mức kỳ vọng và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đảm hơn.
Chia sẻ với Thời báo Ngân hàng trong cuộc phỏng vấn gần đây, TS. Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC cho biết, để cả năm 2023 đạt tăng trưởng 5% (như HSBC dự báo), thì quý IV cần tăng trưởng ở mức 7,3%. Theo chuyên gia này, trong bối cảnh bên ngoài bất định gia tăng ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế mở của Việt Nam, nhất là xuất khẩu trong khi sức cầu trong nước cũng dự kiến khó tăng trưởng mạnh thì mức tăng trưởng quý IV nếu đạt được như dự kiến cũng đã là rất tích cực. Do đó mức tăng trưởng GDP dự kiến 5% năm nay dù thấp hơn tăng trưởng trung bình trong những năm qua nhưng vẫn là mức rất tốt nếu so sánh với mức trung bình của toàn cầu và trong khu vực.
Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đồng quan điểm này. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 đạt khoảng 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, việc ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp; các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều chậm lại; một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả; doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao… là những vấn đề cần được tập trung tháo gỡ.
Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh |
Cải thiện chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh
Vì vậy trong những tháng cuối năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tầu tăng trưởng của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực và hoạt động của các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
Thảo luận tại Tổ ngày 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội đều ghi nhận tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tuy nhiên theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình 9 tháng đầu năm và ước thực hiện năm 2023 còn bộc lộ nhiều hạn chế như: số lượng doanh nghiệp rời thị trường có xu hướng tăng so với cùng kỳ, số doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhưng số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ…
Trong khi đó theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), tình trạng đình trệ, chậm tăng trưởng trong khu vực kinh tế, doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần được xem xét. Dự báo 2024 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế thế giới chưa có sự phục hồi rõ và những yếu tố từ bên ngoài sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Để tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ đã đề ra; đồng thời cần thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa, trong đó tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024, miễn, giảm thuế đất…
Một số đại biểu bày tỏ quan ngại khi chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động dự kiến có năm thứ ba liên tiếp không đạt. Theo đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) đây là chỉ tiêu rất quan trọng, do đó Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để giải quyết căn cơ vấn đề này, để tăng sức cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Cùng nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) cho rằng, nguyên nhân chính khiến chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động không đạt là do chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, cơ cấu lao động thiếu hợp lý, thiếu lao động có tay nghề cao. Theo nữ đại biểu, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động cần trả lời được các câu hỏi: Đào tạo nghề đã đáp ứng nhu cầu thị trường hay chưa?; cơ sở, vật chất trang thiết bị cho đào tạo nghề có tốt hay không?; chất lượng đội ngũ giáo viên đào tạo nghề thế nào...?
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cũng cho rằng, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Đơn cử, thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Theo đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai), trước yêu cầu và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật vẫn đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu tính ổn định, tính thống nhất. Những hạn chế, bất cập như vậy đã gây khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh và các mặt của đời sống nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy cần thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy ý kiến, sự tham vấn của các chuyên gia, các tổ chức, người dân và doanh nghiệp ngay từ quá trình soạn thảo chính sách; rà soát, kịp thời phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không phù hợp với tình hình thực tiễn và đề xuất hướng giải quyết.