Đề xuất chính sách để tăng cường nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm
Ngày 11/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 2016 – 2018.
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại hội nghị |
Theo báo cáo tại Hội nghị, đến ngày 30/9/2018, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 7.631 tỷ đồng so với năm 2015. Trong đó: nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 4.497 tỷ đồng, tăng 64 tỷ đồng so với năm 2015 từ số tiền lãi thu được bổ sung cho Quỹ; nguồn vốn của địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm là 6.285 tỷ đồng, tăng 3.789 tỷ đồng so với năm 2015, nguồn vốn do NHCSXH huy động để cho vay giải quyết việc làm là 3.778 tỷ đồng);
Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 14.451 tỷ đồng, với gần 476 nghìn khách hàng, dư nợ cho vay xuất khẩu lao động đạt 722 tỷ đồng, với trên 15 nghìn hộ vay còn dư nợ.
Giai đoạn từ năm 2016 đến ngày 30/9/2018, doanh số cho vay giải quyết việc làm đạt 15.477 tỷ đồng, doanh số cho vay xuất khẩu lao động đạt 746 tỷ đồng, qua đó giúp cho trên 535 nghìn lao động được tạo việc làm, giúp cho trên 11 nghìn lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động.
Đánh giá tại Hội nghị cho thấy, trong thời gian qua, NHCSXH đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện cho vay tạo việc làm và cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài từ Quỹ quốc gia về việc làm, tổ chức tốt việc thu hồi nợ, thu lãi tại NHCSXH nơi cho vay và tại các Điểm giao dịch tại xã theo định kỳ hàng tháng đối với tất cả các đối tượng vay vốn, nhờ đó nguồn vốn được thu hồi để cho các đối tượng vay vốn tiếp theo và nợ quá hạn không ngừng giảm thấp qua các năm.
Bên cạnh đó, NHCSXH các cấp đã phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp tại địa phương trong suốt quá trình quản lý cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội mặc dù không phê duyệt cho vay các dự án vay vốn nhưng đều phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương để tham gia giám sát, kiểm tra các cơ quan thực hiện chương trình và hoạt động cho vay của NHCSXH. Mặt khác, để tạo điều kiện cho các đối tượng vay vốn gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, khắc phục khó khăn, tiếp tục có vốn để sản xuất, NHCSXH đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo việc xử lý nợ bị rủi ro chính xác, kịp thời, đồng thời bổ sung nguồn vốn tạo điều kiện để người vay tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất.
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã có sự phân cấp cho cấp cơ sở, theo đó Chủ tịch UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án xem xét, phê duyệt đối với dự án thuộc nguồn vốn do UBND cấp tỉnh quản lý hoặc Thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện chương trình xem xét, phê duyệt đối với dự án thuộc nguồn vốn do tổ chức thực hiện chương trình quản lý. Do đó, các dự án có mức vay trên 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng không phải trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng Hội, đoàn thể Trung ương phê duyệt, việc đổi mới này đã góp phần rút gắn thời gian phê duyệt các dự án.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm và cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn.
Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thực hiện chương trình các cấp thường xuyên quan tâm, giám sát các hội viên, người lao động trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, đốn đốc trả nợ, trả lãi đúng hạn…Thông qua hoạt động cho vay tổ chức Hội các cấp nắm bắt tới từng cơ sở, đã gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.
Tuy nhiên, để chương trình trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, NHCSXH đề nghị Chính phủ hàng năm tăng cấp bổ sung ngân sách Nhà nước, bổ sung nhiều nguồn lực của xã hội (trong nước và ngoài nước) cho Quỹ quốc gia về việc làm, do nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm vì nhu cầu vay vốn tạo việc làm hiện nay rất lớn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét, điều chính lãi suất vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm lên bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cũng gặp những khó khăn, tồn tại.
Đó là chất lượng việc làm tạo ra chưa cao, hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng vay là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thấp; nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế mới chỉ đáp ứng 30-35% nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; mặc dù đã được quy định trong Nghị định số 61/2015/NĐ-CP nhưng đến nay ngân sách Trung ương vẫn chưa bổ sung nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân người có công với cách mạng)…
"Trong giai đoạn tới thị trường lao động ngày càng sôi động hơn, phát triển hơn, nhu cầu việc làm chất lượng hơn, bền vững hơn, khởi nghiệp của người lao động, nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, của lao động thanh niên, lao động nông thôn ... đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức với việc nâng cao hiệu quả và bảo đảm chất lượng tín dụng hỗ trợ của Nhà nước qua Ngân hàng Chính sách xã hội." - ông Doãn Mậu Diệp nói.
Chính vì vậy qua Hội nghị này Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp mong muốn các đại biểu đánh giá kết quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, tập trung phân tích các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; Đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng cường nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay hỗ trợ tạo việc làm qua Ngân hàng Chính sách xã hội; Phân tích, đánh giá, biểu dương và nhân rộng một số mô hình dự án vay vốn hỗ trợ tạo việc làm hiệu quả từ Quỹ quốc gia về việc làm để công tác cho vay vốn giải quyết việc làm hiệu quả hơn trong thời gian tới.