Để xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các FTA
Xuất nhập khẩu với những con số biết nói
Chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các FTA” ngày 16/8, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, có quan hệ thương mại với 230 quốc gia, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế.
Các FTA này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Có thể kể đến một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường có FTA như: Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đối với thị trường các nước thành viên Hiệp định EVFTA, xuất khẩu sang thị trường EU năm 2021 đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm trước. Đối với thị trường Anh (Hiệp định UKVFTA), năm 2021 xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh ghi nhận mức tăng 16,4%, đạt 5,8 tỷ USD. Hiện tại, trong giai đoạn dịch Covid-19 đã được kiểm soát, triển vọng xuất khẩu vào những thị trường trên vẫn tiếp tục tăng.
Nguyên nhân là do các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và RCEP, sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết thêm, nhiều nước cũng đang triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu. Chính vì vậy, thời gian tới xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã có FTA được dự báo sẽ khả quan, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đánh giá những mặt được trong hoạt động xuất khẩu của nước ta, TS. Lê Quốc Phương - chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất khẩu hiện nay trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Trước khi cải cách và Đổi mới, xuất khẩu của nước ta rất nhỏ nhưng từ khi có Đổi mới với rất nhiều chính sách của Nhà nước về tự do hóa đối với thương mại và hội nhập quốc tế thì xuất khẩu của Việt Nam đã có những bước nhảy vọt.
“Hiện nay, có thể đánh giá chúng ta là một trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới khi xếp hạng 24 trong số 240 nền kinh tế. Dù trong bối cảnh Covid-19, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 336 tỷ đô la. Đây là con số rất lớn. Về tăng trưởng xuất khẩu, dù trong đại dịch, xuất khẩu vẫn tăng 2 con số, tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới’’, ông Phương dẫn chứng.
Thông tin từ phía doanh nghiêp, ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, theo báo cáo của WTO, trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Trong năm 2021, ngành dệt may xuất khẩu 40 tỷ USD, Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong năm 2021 cũng đạt được lợi nhuận cao nhất trong lịch sử 26 năm hình thành với gần 1.500 tỷ đồng lợi nhuận. Đến năm 2022, giai đoạn 6 tháng đầu năm, thị trường vẫn có nhu cầu, lợi nhuận Tập đoàn đạt 981 tỷ đồng và vượt kế hoạch 3%. Doanh thu xuất khẩu đạt hơn 10.000 tỷ đồng và tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Có thể nói, các lợi thế của các FTA đã được ngành tận dụng tốt. Các FTA chính là động lực để ngành dệt may vượt qua thách thức từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn qua”, ông Anh nhấn mạnh.
Dệt may là một trong những ngành tận dụng tốt các FTA. |
Tháo gỡ những thách thức
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nhìn nhận, Việt Nam là một trong những nước tích cực hàng đầu ASEAN về ký kết các FTA, chỉ sau Singapore. Hiện nay, Việt Nam có 15 các FTA, trong đó có nhiều FTA đạt chất lượng cao, bao trùm nhiều nền kinh tế lớn của thế giới như CPTTP, EVFTA…
Bên cạnh những tác động tích cực, mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam, ông Lê Quốc Phương lưu ý, các FTA này cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp cả trên “sân nhà” và trên thế giới khi đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về hàng rào kỹ thuật, trong khi tiềm lực, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn hạn chế.
Cùng với đó, các FTA cũng đặt ra khó khăn cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn lao động như không có lao động trẻ em, không có lao động cưỡng bức, vấn đề sở hữu trí tuệ… Tất cả những điều này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, đầu tư tăng lên.
“Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp vươn lên, trưởng thành, nâng cao được năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển, biến thách thức thành cơ hội. Nếu không, ngược lại nó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
Để xuất khẩu bền vững và hiệu quả hơn, ông Lê Hoàng Tài đề xuất 4 giải pháp:
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác hoặc phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai.
Thứ hai, trong đầu tư phát triển sản phẩm cần chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào phi thuế quan.
Thứ ba, chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, chủ động liên kết giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Thứ tư, đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ nhân lực trong lĩnh vực sản xuất mà còn nhân lực trong lĩnh vực thương mại.
Nhân lực cần có kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán, kỹ năng xúc tiến thương mại, đặc biệt có khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại, cập nhật công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, giảm chi phí, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường quốc tế một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn.
“Vẫn có doanh nghiệp tham gia sự kiện xúc tiến thương mại thiếu bài bản, thiếu kỹ năng và ngoại ngữ dẫn tới không đạt hiệu quả như mong muốn, thâm chí ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến thương mại", ông Tài thông tin.