Dịch tái bùng phát, ngân hàng sẵn sàng “tiếp lửa” cho doanh nghiệp
Khó khăn chồng khó khăn
Sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 lần thứ nhất, sau ba tháng yên ổn, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhiều doanh nghiệp, các khối ngành nghề đã dần quay lại với hoạt động kinh doanh, sản xuất và dần lấy lại được đà sau một thời gian khủng hoảng vì giãn cách.
Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 lần thứ hai bùng phát đang đe dọa những nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp. Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, do tâm lý lo sợ dịch kéo dài, người dân đã chủ động tiết giảm chi tiêu khiến nhiều hoạt động kinh tế lâm vào đình trệ.
Nhiều ngân hàng tung các chương trình hỗ trợ, gói cho vay ưu đãi “trợ sức” cho doanh nghiệp mùa dịch. |
Ngoài các hoạt động như du lịch, vui chơi giải trí gần như ngừng hẳn, nhiều loại hình thương mại dịch vụ khác như thời trang, điện tử, ô tô, xe máy, hay thậm chí nhà hàng và quán cà phê cũng đều vắng khách. Từ đó, tiếp tục tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại khác.
Các doanh nghiệp của Hà Nội, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa kịp hồi phục qua “cơn bão” của đợt dịch lần thứ nhất, nay lại tiếp tục bị “quật ngã” bởi “cơn bão Covid-19 mới”.
Trong bối cảnh đó, tiếp tục giữ vững chủ trương của đợt dịch trước, nhiều ngân hàng đã cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ đa dạng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Xác định hỗ trợ khách hàng vượt khó trong dịch Covid-19 là một trong những mục tiêu trọng tâm của năm 2020, VietinBank đã tổ chức nhiều chương trình tín dụng thiết thực hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng,... đáp ứng kịp thời, chủ động các nhu cầu vốn cần thiết của nền kinh tế, chủ động tư vấn cho các doanh nghiệp để cơ cấu lại hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19...
Đại diện VietinBank cho biết việc hạ lãi suất cho vay, giảm, miễn phí dịch vụ tác động tới tăng trưởng thu nhập của ngân hàng, với ảnh hưởng giảm khoảng 2 nghìn tỷ đồng thu nhập lãi và phí trong 6 tháng đầu năm.
Trước làn sóng dịch Covid-19 quay trở lại, bên cạnh gói tín dụng 25.000 tỷ đồng SHB đã và đang triển khai đồng bộ và hiệu quả trên toàn quốc, nhằm chia sẻ khó khăn, chung tay cùng cả nước nói chung và Đà Nẵng, Quảng Nam nói riêng đẩy lùi dịch bệnh, từ ngày 1/8/2020, SHB triển khai Chương trình tiếp sức khách hàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19-19 với gói tín dụng 2.500 tỷ đồng.
Chương trình tiếp sức bao gồm nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường cho cả khách hàng hiện hữu và mới gặp khó khăn bởi dịch.
Ngoài các gói ưu đãi lãi suất, SHB vẫn tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như các phương án miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch theo đúng tinh thần của Thông tư 01/2020/TT-NHNN để hỗ trợ khách hàng tổng thể nhất.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Trong khuôn khổ gói hỗ trợ tài chính nhanh để ứng phó đại dịch Covid-19, vừa qua, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã ký kết hợp đồng với gói vay 40 triệu USD cho OCB và gia hạn trị giá 100 triệu USD cho VPBank
Các khoản tài trợ sẽ giúp kéo giãn thời hạn trả nợ của các doanh nghiệp |
Các khoản tài trợ sẽ giúp hai ngân hàng này - những khách hàng hiện tại của IFC tăng cường thanh khoản để tiếp tục cho vay mới cho khách hàng doanh nghiệp, trong khi đồng thời kéo giãn thời hạn trả nợ của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank khẳng định, doanh nghiệp nhỏ và vừa là phân khúc khách hàng chiến lược đối với VPBank và ngân hàng đã liên tục đưa các chính sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu của phân khúc này. Khoản tín dụng của IFC sẽ cho phép VPBank hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hơn, giúp các doanh nghiệp vượt qua cú sốc bất ngờ từ bên ngoài này cũng như hỗ trợ sự ổn định thị trường tài chính chung của Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của Quỹ Xúc tiến cơ hội cho nữ doanh nhân, dự kiến khoảng 20% khoản vay của IFC cho VPBank sẽ được dành để tài trợ cho phụ nữ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Với OCB, khoản vay từ IFC có thời hạn một năm và có thể gia hạn, nhằm tăng cường thanh khoản, hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho các doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Gói tín dụng của IFC tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng giúp OCB bổ sung nguồn dự trữ dồi dào, sẵn sàng tiếp sức doanh nghiệp Việt đương đầu với cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có tiền lệ.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, theo kinh nghiệm của tổ chức này từ những cú sốc trong quá khứ, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng hiện nay. Do đó, việc duy trì thanh khoản cho những doanh nghiệp này có vai trò quan trọng nhằm giúp ổn định việc làm và hạn chế thiệt hại về kinh tế.
“Hỗ trợ của chúng tôi không chỉ giúp các ngân hàng kéo giãn thời hạn trả nợ cho nhiều khách hàng mà còn tạo điều kiện để ngân hàng cấp các khoản vay mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và duy trì việc làm, từ đó thúc đẩy phục hồi nền kinh tế”, ông Kyle Kelhofer nói.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, phía OCB đã và đang rà soát, điều chỉnh các chương trình cho phù hợp với thực tế và tiếp tục triển khai ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, khôi phục hoạt động, thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, ngân hàng này sẽ ưu tiên nhóm khách hàng thuộc các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch như du lịch, sản xuất và các ngành liên quan đến hoạt động ứng phó với dịch bệnh, đang phải đối mặt với nhu cầu tăng cao về dịch vụ, thiết bị y tế và dược phẩm.
Đây không phải lần đầu OCB tiếp sức cho doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát, ngân hàng này đã nhanh chóng triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có thể kể đến gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên mũi nhọn, miễn phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống qua kênh Omni, tặng phần mềm hóa đơn điện tử MeInvoice của MISA cho khách hàng mới... Trong đó, các gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất cạnh tranh được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động kinh doanh.