Dịch vụ tài chính - ngân hàng: Không biết có, sao dùng?!
Tiếp tục đề nghị giảm cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng |
Ảnh minh họa |
Khái niệm về tài chính toàn diện xuất hiện khoảng năm 2007, nhưng chỉ phổ biến hơn từ năm 2012. Tiếp cận tài chính toàn diện (Financial Inclusion) là việc sử dụng các loại hình dịch vụ tài chính của các cá nhân và DN. Hay nói cách khác, tỷ lệ cá nhân và DN đang sở hữu tài khoản tại một tổ chức tài chính, sử dụng các dịch vụ tài chính như thanh toán, tiết kiệm, vay vốn hay mua hợp đồng bảo hiểm… Các dịch vụ tài chính này phải được cung cấp bởi các tổ chức tài chính chính thức, là các công cụ tài chính an toàn và hiệu quả trong một môi trường pháp lý minh bạch.
Chiến lược tài chính toàn diện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tháng 1/2020 (Quyết định số 149/QĐ-TTg). Theo chiến lược, mọi người dân và DN đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, cả nước phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu cụ thể: Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại TCTD; Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng năm...
Theo thông tin tại Hội nghị hôm 10/9, đến hết năm 2020, dự kiến cả nước có khoảng 89 triệu tài khoản cá nhân, tương đương 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Những năm gần đây, đặc biệt khi Covid-19 xuất hiện, thanh toán không dùng tiền mặt trên các ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử… đều có mức tăng trưởng hai, thậm chí ba con số mỗi năm. Với dân số trẻ, đa số người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh… đã tạo thành yếu tố thuận lợi cho Việt Nam phát triển ngân hàng số - cơ sở quan trọng để phổ cập tài chính toàn diện.
Tại Hội nghị, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) bày tỏ: Tôi chỉ có một mơ ước duy nhất là mọi giao dịch ngân hàng đều có thể làm trên điện thoại di động. Chừng nào chưa làm được điều đó chúng ta chưa phổ cập được tài chính toàn diện... Cũng trong tuần qua, sự kiện đáng chú khác là BIDV đã cho ra mắt phiên bản ứng dụng BIDV SmartBanking trên bàn phím - SmartKeyboard. Với ứng dụng này, khi đang trò truyện trên các ứng dụng chat với bạn bè, người thân, đối tác… người dùng có thể chuyển tiền 24/7, gửi tiền tiết kiệm; nạp tiền điện thoại; thanh toán hóa đơn điện, nước, phí dịch vụ, Internet, điện thoại; mua vé máy bay; mua sắm trực tuyến qua tiện ích VnShop, QR Pay…
Trong tháng 9/2020, NHNN sẽ trình các nghị định liên quan đến vấn đề lớn như: đại lý ngân hàng, tiền điện tử, thanh toán quốc tế, Mobile Money. Như vậy trong tương lai không xa, khi hành lang pháp lý cho ngân hàng số hoàn thiện hơn, ngoài những tiện ích mà khách hàng có thể sử dụng trên bàn phím SmartKeyboard, sẽ có thêm nhiều dịch vụ ngân hàng số tiện ích, hiện đại hơn… Không lâu nữa, ước mơ "mọi giao dịch ngân hàng đều có thể làm trên điện thoại di động" của ông Dũng sẽ trở thành hiện thực. Nhưng, để phổ cập được tài chính toàn diện cần thêm nhiều giải pháp hướng đến người dân. Thói quen dùng tiền mặt, thậm chí "ngại" đến ngân hàng của không ít người tiêu dùng chính là bước cản lớn nhất trong phát triển tài chính toàn diện.
Để đạt được mục tiêu phát triển tài chính toàn diện, ngoài nỗ lực của các đơn vị trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ thì truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Bởi nếu đa số người dân còn không biết có những sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng nào, thì sao có thể sử dụng? Do đó, phải làm sao để người tiêu dùng cập nhật được những sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng mới nhất. Và khi cần bất cứ dịch vụ tài chính - ngân hàng nào, họ biết có thể tìm đến những địa chỉ tin cậy, uy tín, an toàn ở đâu.