Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 11-15/7
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 4-8/7 |
Tổng quan
Đồng EUR mất giá mạnh so với USD, xuống ngưỡng thấp nhất 20 năm. Mặc dù vậy, việc này vẫn được nhận định không tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/07, đồng EUR đã giảm tới hơn 11% so với đồng USD, xuống mức gần tương đương USD. Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới sự suy yếu của đồng EUR là những quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, đặc biệt khi đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đưa khí đốt từ Nga tới châu Âu bắt đầu tạm ngừng vận hành từ ngày 11/07 để bảo trì định kỳ.
Bối cảnh đó đặt NHTW Châu Âu ECB vào tình thế khó khăn khi vừa phải nỗ lực kiềm chế lạm phát, vừa phải nâng đỡ nền kinh tế đang trên đà giảm tốc, với kế hoạch tăng lãi suất đi vay lần đầu tiên kể từ năm 2011.
Theo Bộ Công thương, trong ngắn hạn, việc đồng EUR mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có hợp đồng thanh toán bằng đồng EUR. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng EUR thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, tỷ trọng sử dụng đồng EUR để thanh toán với các doanh nghiệp thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam hiện mới ở mức từ 5-7%; trong khi sử dụng USD chiếm từ 65-70%. Hiện chỉ có khoảng 15 - 20% doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ký hợp đồng thanh toán bằng Euro, còn lại chủ yếu bằng USD nên thiệt hại được giảm thiểu đáng kể.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU chi phí sẽ rẻ hơn nên việc nhập khẩu sẽ có lợi hơn. Mặc dù kim ngạch NK từ khu vực này là không lớn, nhưng lại là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đặc biệt là máy móc, thiết bị và một số vật tư mang tính chiến lược nên có thể coi đây là tín hiệu tích cực.
Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường, trong đó, có Việt Nam.
Một khó khăn nữa là về giá cả sản xuất. Hiện nay, do thiếu nhân công, đa số doanh nghiệp phải tăng lương để tuyển dụng; chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng cao, tình trạng khan hiếm hàng do Trung Quốc thực hiện chính sách "zero COVID," chi phí logistics tăng...cũng đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng 15-20%. Do đó, giá sản phẩm Việt Nam XK vào châu Âu ở nhiều ngành hàng có thể trở nên cao hơn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam ở thị trường này. Châu Âu là thị trường nhập khẩu đứng thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ, việc này có khả năng làm giảm kim ngạch XK nói chung của Việt Nam.
Thảo luận về một số ngành hàng cụ thể giao thương giữa Việt Nam và Châu Âu, Bộ Công thương cho biết, ngành dệt may, da giày Việt Nam có tỷ lệ xuất khẩu lớn vào thị trường châu Âu, nhưng thực tế không bị ảnh hưởng nhiều khi đồng EUR mất giá vì hầu hết các doanh nghiệp trong ngành XK sang thị trường châu Âu chủ yếu giao dịch bằng đồng USD. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD và tăng trưởng 13%; tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU chiếm khoảng chiếm 30% trong tổng kim ngạch XK toàn ngành.
Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu khác, đơn cử ngành thủ công mỹ nghệ, lại không được như vậy. Thanh toán hợp đồng bằng EUR và ký thống nhất giá từ đầu năm nên việc đồng tiền này giảm giá đã khiến doanh nghiệp bị thiệt hại. Tình trạng như vậy cũng diễn ra với một số doanh nghiệp XK nông sản khi họ đã ký với nhà NK EU đơn hàng từ đầu năm bằng đồng EUR…
Để giảm thiểu thiệt hại từ biến động tỷ giá, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia đều khuyên các doanh nghiệp, khi ký kết hợp đồng XNK trong bối cảnh các đồng tiền quốc tế biến động phức tạp, doanh nghiệp nên tính đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm Việt Nam, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt EVFTA.
Tóm lược thị trường trong nước từ 11/07 - 15/07
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 11/07 - 15/07, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên, đặc biệt tăng mạnh phiên cuối tuần. Chốt tuần 15/07, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.225 VND/USD, tăng 48 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán giao ngay được NHNN niêm yết ở mức 23.400 VND/USD trong cả tuần.
Tỷ giá LNH tiếp tục tăng ở tất cả các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 15/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.452 VND/USD, tăng mạnh 97 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh trong tuần qua, chốt phiên 15/07 tăng 280 đồng ở chiều mua vào và 360 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.330 VND/USD và 24.430 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 11/07 - 15/07, lãi suất VND LNH tăng khá mạnh phiên đầu tuần, sau đó giảm dần trở lại. Chốt ngày 15/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,82% (+0,02 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,32% (+0,02 đpt); 2W 1,64% (+0,02 đpt); 1M 1,98% (không thay đổi).
Lãi suất USD LNH biến động tăng – giảm nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt tuần 15/07, lãi suất USD LNH đóng cửa không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W, cụ thể: ON 1,68%; 1W 1,79%; 2W 1,91% và 1M 2,03%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 11/07 - 15/07, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố ở mức 5.000 tỷ đồng/phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 1.161,32 tỷ đồng trúng, trong tuần có 1.169,63 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN ở 02 kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày. Có 59.729,1 tỷ đồng trúng thầu, trong đó kỳ hạn 14 ngày lãi suất 0,9% và kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 1,5%. Có 56.824,8 tỷ đồng tín phiếu đến hạn trong tuần.
Như vậy, NHNN hút ròng 2.462,61 tỷ VND từ thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 1.954,6 tỷ VND, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành là 177.228,8 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 11/07, NHCSXH gọi thầu 2.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 5 năm đến 15 năm. Trong đó, kỳ hạn 5 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm gọi thầu 500 tỷ đồng/kỳ hạn. Tuy nhiên, phiên đấu thầu thất bại.
Ngày 13/07, KBNN huy động thành công 1.560/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 35%). Toàn bộ khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 10 năm, lãi suất trúng thầu tại 2,53%/năm (+0,02%). Từ đầu năm đến nay, KBNN huy động thành công 71 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 18% kế hoạch năm 2022.
Trong tuần vừa qua từ 11/07 - 15/07 không có TPCP đáo hạn. Trong tuần này từ 18/07 - 22/07 có 4.036 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 18/07, NHCSXH dự kiến gọi thầu 2.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 5 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 20/07, KBNN dự kiến gọi thầu 5.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.567 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực so với mức 4.457 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 15/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,84% (-0,02 đpt); 2 năm 2,27% (+0,01 đpt); 3 năm 2,38% (+0,03 đpt); 5 năm 2,43% (+0,04đpt); 7 năm 3,03% (+0,03 đpt); 10 năm 3,27% (+0,01 đpt); 15 năm 3,5% (+0,03 đpt); 30 năm 3,61% (+0,02 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 11/07 - 15/07, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu qua các phiên. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 15/07, VN-Index đứng ở mức 1.179,25 điểm, tăng nhẹ 7,94 điểm (+0,68%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index cộng 6,60 điểm (+2,38%) đạt 284,40 điểm; UPCom-Index chỉ tăng 0,36 điểm (+0,41%) lên 87,32 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn chưa cải thiện với giá trị giao dịch trung bình khoảng 12.755 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.288 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận nhiều thông tin kinh tế quan trọng, áp lực lạm phát vẫn gia tăng song chưa có dấu hiệu về suy thoái kinh tế. Cụ thể, trong tuần qua, Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết chỉ số CPI toàn phần và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 1,3% và 0,7% m/m trong tháng 6, nối tiếp đà tăng 1,0% và 0,6% của tháng 5, đồng thời cùng vượt qua mức tăng chỉ 0,7% và 0,5% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2021, CPI toàn phần tại Mỹ đã tăng tới 9,1% y/y, là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/1981. CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) cũng cho thấy mức tăng 5,9%. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần của nước này tăng 1,1% m/m trong tháng 6, nối tiếp đà tăng 0,8% của tháng 5 và đồng thời cũng cao hơn mức tăng 0,8% theo dự báo.
Mặc dù vậy, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ cùng tăng 1,0% m/m trong tháng 6 vừa qua, cùng vượt qua mức tăng 0,7% và 0,9% theo kỳ vọng. Trước đó, doanh số bán lẻ lõi tại Mỹ cũng tăng 0,6% m/m trong tháng 5, và doanh số bán lẻ toàn phần giảm nhẹ 0,1%. Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 7 do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 51,1 điểm; tăng nhẹ từ 50,0 điểm của tháng 6 và trái với dự báo giảm xuống còn 49,0 điểm. Hiện tại, một số quan chức Fed có quan điểm khác nhau về quá trình tăng LSCS. Phần lớn ủng hộ đà tăng mạnh 75 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 7, sau đó sẽ điều chỉnh giảm tốc dần dựa theo các dữ liệu kinh tế.
Khu vực Châu Âu bị hạ triển vọng kinh tế. Trong cuộc họp ngày 14/07, Ủy ban Liên minh Châu Âu EC dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức 2,7% được đưa ra vào tháng 5. Trong năm 2023, khi tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine và giá năng lượng tăng cao trở nên rõ ràng hơn, tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ ở mức 1,4%, thay vì 2,3% như dự báo trước đó.
Bên cạnh đó, EC dự báo lạm phát của Eurozone sẽ đạt đỉnh ở mức 7,6% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 4% trong năm 2023. Mặc dù vậy, EC không cho rằng kinh tế Eurzone sẽ suy thoái, thậm chí có thể tích cực hơn nếu giá hàng hóa hạ nhiệt như thời gian gần đây. Cũng trong tuần qua, chỉ số niềm tin kinh tế của Eurozone do ZEW khảo sát được ở mức -51,1 điểm trong tháng 7, giảm mạnh xuống từ mức -28,0 điểm của tháng 6, sâu hơn nhiều so với mức -39,0 điểm theo dự báo.
Đây là mức bi quan nhất của thị trường này kể từ tháng 12/2011. Điểm sáng duy nhất trong tuần là sản lượng công nghiệp tại Eurozone vẫn tăng 0,8% m/m trong tháng 5, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng trước đó và vượt qua mức tăng 0,2% theo dự báo.
Tỷ giá ngày 15/07: USD = 0.991 EUR (-0.71% d/d); EUR = 1.009 USD (0.71% d/d); USD = 0.844 GBP (-0.25% d/d); GBP = 1.185 USD (0.25% d/d); GBP = 1.175 EUR (-0.45% d/d); EUR = 0.851 GBP (0.45% d/d).