Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 16-20/11
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/11 |
Tổng quan
Mặc dù còn phải chờ thêm các quy trình phê chuẩn của các nước thành viên trước khi nói về thời điểm hiệu lực của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau khi được ký kết ngày 15/11, song các chuyên gia kinh tế cũng đã tính toán lợi ích cũng như thách thức từ hiệp định được xếp hạng lớn nhất thế giới này.
Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP đã được 15 nước, bao gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, ký kết sáng 15/11/2020. Hiệp định RCEP, khi được 15 thành viên thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27.000 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Hiệp định RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển. Do vậy, mặc dù không gian kinh tế rộng hơn, dân số lớn hơn nhưng đồng thời Hiệp định RCEP cũng có nhiều linh hoạt cho các nước tham gia hơn. Các nước tham gia RCEP cũng xác định đây là bước đi ban đầu, hướng đến các mức độ hợp tác cao hơn khi các nước đã sẵn sàng.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực. Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. Đối với Trung Quốc và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai châu Á - RCEP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên kết nối họ. Thuế đối với 86% hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được xóa bỏ. Điều này hứa hẹn những lợi ích lớn cho các nhà sản xuất Nhật Bản, đặc biệt là các nhà cung cấp phụ tùng ô tô.
Tuy nhiên, Trung Quốc được xem là một trong những thách thức lớn từ các nước tham gia RCEP. Với lợi thế hàng hoá phong phú, giá rẻ, nền kinh tế hơn tỷ dân này có thể gây ra những tổn thương đến sinh kế của người dân tại các nước khác. Đây được xem là một nguyên nhân chính khiến Ấn Độ, tháng 11 năm ngoái, quyết định rút khỏi RCEP. Năm 2019, thâm hụt thương mại với Trung Quốc của Ấn Độ ở mức khoảng 50 tỷ USD.
Đối với Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong trường hợp năng suất tăng bình thường, RCEP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 0,4% và 3,6% so với trường hợp không có RCEP. Nếu có thêm nỗ lực cải cách để kích thích tăng năng suất, lợi ích của Việt Nam từ RCEP sẽ lớn hơn, GDP và xuất khẩu có thể tăng tương ứng 1% và 4,3% so với trường hợp không có RCEP. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...
Trong các FTA đã có trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu Việt Nam do sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước nằm ngoài FTA mà không đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Giờ đây, Trung Quốc, Hàn Quốc và những nước vốn là nguồn cung nguyên liệu chủ yếu đều nằm trong RCEP khiến vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác của ASEAN trong 1 FTA. Doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới, mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc thực hiện RCEP rất thách thức đối với Việt Nam. Trước hết, Hiệp định RCEP có thể mang đến sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP cho thấy có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. Kể cả khi chưa thực hiện RCEP, nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Autralia và New Zealand. 10 tháng của năm 2020, nhập siêu lần lượt từ Trung Quốc 28,2 tỷ USD, ASEAN 5,4 tỷ USD, Hàn Quốc 21,1 tỷ USD… Thách thức này sau khi thực hiện RCEP chắc chắn sẽ là nặng nề, nguy cơ mất thị trường ngay trên sân nhà là hiện hữu. Thứ hai, hiện đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Về xuất khẩu, có thể coi RCEP là cơ hội mới cho xuất khẩu của Việt Nam, nhưng có một số chuyên gia bình luận, thị trường của các nước như RCEP và Trung Quốc có phần nào dễ tính hơn Mỹ hay EU, nên thuận lợi hơn cho Việt Nam. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là sự dễ dãi, dễ tính đó có giúp cho Việt Nam về dài hạn hay không, hay là vì ham làm với những thị trường dễ tính mà các doanh nghiệp Việt Nam, các ngành kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp v.v... của Việt Nam sẽ không chịu đầu tư nghiêm túc để vươn lên làm những sản phẩm đạt chuẩn mực cao hơn của các thị trường khó tính hơn như EU, như Hoa Kỳ, như Nhật Bản, để từ đó nâng cấp bền vững, lâu dài các mặt hàng xuất khẩu của mình, thay vì chỉ cứ làm gia công, hoặc là làm những sản phẩm với giá trị gia tăng thấp.
Tóm lược thị trường trong nước từ 16/11 - 20/11
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 16/11 - 20/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm khá mạnh trong 3 phiên đầu tuần và tăng trở lại phiên cuối tuần. Chốt phiên 20/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.179 VND/USD, giảm 13 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.175 VND/USD ở tất cả các phiên. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt tuần ở mức 23.824 VND/USD.
Tỷ giá LNH vẫn biến động nhẹ trong tuần vừa qua. Chốt phiên 20/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.177 VND/USD, chỉ tăng nhẹ 02 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua cũng chỉ biến động tăng – giảm nhẹ. Chốt tuần 20/11, tỷ giá tự do tăng trở lại 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.200 – 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 16/11 - 20/11, lãi suất VND LNH vẫn chỉ biến động rất nhẹ ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên trong tuần. Chốt phiên 20/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,15% (không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 0,19% (-0,01 đpt); 2W 0,23% (-0,02 đpt); 1M 0,37% (-0,01 đpt).
Tương tự, lãi suất USD LNH tiếp tục tăng – giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 20/11, lãi suất USD LNH giảm 0,01 đpt ở tất cả các kỳ hạn, đứng ở mức: ON 0,15; 1W 0,20%; 2W 0,25% và 1M 0,35%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 16/11 - 20/11, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở tất cả các phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất duy trì ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu trong tuần vừa qua, có 1 tỷ đồng đáo hạn ở phiên cuối tuần, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, KBNN và VDB tham gia gọi thầu TPCP với tổng khối lượng gọi thầu đạt mức 13.750 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 18/11, KBNN huy động thành công 5.150/6.750 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 76%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động toàn bộ 2.250 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 2.700/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 200/500 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm không đổi tại 2,55%, kỳ hạn 15 năm tại 2,79%/năm (tăng nhẹ 0,01%); kỳ hạn 20 năm tại 3,05%/năm (tăng nhẹ 0,03%). Ngày 20/11, NHPTVN huy động thành công 5.000/7.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu. Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động toàn bộ 2.500 tỷ đồng/kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 3,09%/năm - giảm 0,03% so với phiên trước. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 20 năm tại 3,27%/năm – giảm 0,04% so với phiên trước. Trong tuần qua, lượng TPCP đáo hạn là 900 triệu đồng.
Trong tuần này từ 23/11 - 27/11, KBNN và VDB dự kiến gọi thầu 9.000 tỷ đồng (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần này, lượng TPCP đáo hạn là 2.800 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.011 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 10.403 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 20/11, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,17% (-0,07 đpt); 2 năm 0,28% (-0,03 đpt); 3 năm 0,38% (+0,01 đpt); 5 năm 1,25% (-0,08đpt); 7 năm 1,57% (-0,06 đpt); 10 năm 2,56% (-0,01 đpt); 15 năm 2,80% (+0,01 đpt); 30 năm 3,22% (-0,02 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần 16/11 - 20/11 tiếp tục chứng kiến sự tăng điểm tích cực trên cả 3 sàn. Kết thúc phiên cuối tuần 20/11, VN-Index đạt 990,0 điểm, tăng 23,71 điểm (+2,45%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 2,47 điểm (+1,71%), lên mức 147,21 điểm; UPCOM-Index tăng 1,73 điểm (+2,67%) lên 66,43 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 10.600 tỷ đồng/phiên. Chốt tuần, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.400 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Mỹ đón một số thông tin kinh tế trái chiều trong tuần qua. Về chiều tiêu cực, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 14/11 ở mức 742 nghìn đơn, tăng khá mạnh so với mức 709 nghìn đơn của tuần trước đó, và trái với dự báo giảm nhẹ xuống còn 707 nghìn đơn. Tiếp theo, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ chung tại Mỹ lần lượt tăng 0,2% và 0,3% m/m trong tháng 10, sau khi tăng 1,2% và 1,6% ở tháng 9, cùng thấp hơn so với kỳ vọng tăng 0,6% và 0,5%.
Về chiều tích cực, doanh số bán nhà cũ tại quốc gia này đạt mức 6,85 triệu căn trong tháng 10, sau khi ghi nhận 6,54 triệu căn ở tháng 9, cao hơn khá nhiều so với dự báo chỉ đạt 6,45 triệu căn của các chuyên gia. Cũng về lĩnh vực nhà ở, số nhà khởi công tại Mỹ trong tháng vừa qua ở mức 1,53 triệu căn, tăng mạnh so với 1,46 triệu căn của tháng 9, đồng thời cao hơn mức 1,45 triệu căn theo dự báo. Ngoài các thông tin kinh tế là một số thông tin về vaccine của Mỹ. Trong tuần qua, công ty dược phẩm Moderna cho biết đã thử nghiệm vaccine với khoảng 30 nghìn người tình nguyện và đạt được hiệu quả 94,5%. Công ty Pfrizer và BioNTech đã cập nhật rằng vaccine của họ hiệu quả 95%, tăng khá nhiều so với con số 90% theo kết quả nghiên cứu ban đầu.
Nước Anh đón một số thông tin kinh tế quan trọng và quá trình đàm phán thỏa thuận Brexit vẫn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên, CPI và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,7% và 1,5% y/y trong tháng 10, tích cực hơn mức tăng 0,5% và 1,3% của tháng 9, đồng thời khớp dự báo của các chuyên gia. Giá nhà tại quốc gia này cũng tăng 4,7% y/y trong tháng 9, cao hơn mức tăng 3,0% của tháng 8 và cao hơn mức tăng 2,9% theo dự báo. Trong tuần, Bộ Giao thông vận tải của Anh cho biết quốc gia này vừa ký kết thỏa thuận với Mỹ, cho phép hai nước tiếp tục duy trì các hoạt động đường hàng không như thường lệ, sau khi Anh rời khỏi EU vào năm 2021. Tuy nhiên, về thỏa thuận Brexit, Anh và EU vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về quyền đánh cá, luật đảm bảo cạnh tranh công bằng và cách thức giải quyết tranh chấp trong tương lai, sau rất nhiều phiên họp 2 tuần vừa qua. Thậm chí ở hiện tại, các phiên họp đã phải tạm hoãn do xuất hiện quan chức trong đoàn đàm phán của EU dương tính với virus corona.
Một số NHTW khu vực Đông Nam Á cắt giảm LSĐH do ảnh hưởng của virus corona. Trong khi đó, IMF nâng triển vọng kinh tế Việt Nam 2020. Cụ thể, ngày 19/11, NHTW Indonesia BI cắt giảm LSĐH (LS repo 1W) từ mức 4,0% xuống còn 3,75%; là lần cắt giảm LSĐH lần thứ năm trong năm 2020 và là mức LSĐH thấp nhất của NHTW này kể từ năm 2016 cho tới nay.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh GDP của Indonesia trong quý 3 giảm 3,49% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận quý giảm thứ hai liên tiếp cho nên kinh tế nước này, và là lần đầu tiên xảy ra kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á thập niên 90. Cũng trong ngày 19/11, NHTW Philippines BSP (Bangko Sentral ng Pilipinas) cắt giảm LSĐH (LS cho vay qua đêm) từ mức 2,25% xuống còn 2,0%. Đây là lần cắt giảm thứ 6 của BSP trong năm 2020. Trong tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo GDP Philippines sẽ suy giảm 8,3% trong năm 2020, tiêu cực hơn nhiều so với nhận định suy giảm chỉ 5,5% mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra hồi tháng 8.