‘Điểm nghẽn’ du lịch xanh
Điểm sáng du lịch xanh
Nằm ở vùng du lịch trọng điểm của miền Trung cũng như cả nước, Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa, lịch sử để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.
Trên thực tế, Quảng Nam không chỉ là địa phương duy nhất của cả nước sở hữu hai Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, mà còn có nhiều di sản nổi tiếng khác như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Cùng với đó, xứ Quảng còn có bờ biển dài 125km với nhiều bãi tắm nổi tiếng, gần gần 500 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cùng hàng chục lễ hội khác nhau… Đây là những lợi thế không nhỏ để địa phương phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh.
Dịch bệnh đã làm thay đổi hành vi đi du lịch của phần lớn du khách, khi hướng tới việc bảo vệ môi trường, thiên nhiên và văn hóa bản địa... |
Thời gian gần đây, Quảng Nam được đánh giá là điểm đến thân thiện với môi trường, khi nhiều doanh nghiệp du lịch địa phương đã hướng tới sản phẩm du lịch bền vững, du lịch xanh. Năm 2021, Quảng Nam đã ban hành kế hoạch về phát triển du lịch xanh đến năm 2025 cùng Bộ Tiêu chí du lịch xanh (có sự hỗ trợ của Dự án phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam của Thụy Sỹ - SSTP) để chính quyền, doanh nghiệp ngành du lịch, cộng đồng cùng nhìn lại, định hướng, tìm ra những hướng đi thích hợp.
Đến thời điểm này, đã có 20 đơn vị đạt chứng nhận du lịch xanh theo Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam, trong đó có 11 đơn vị đạt chứng nhận 3/3 Lá Sâm Ngọc Linh; 9 đơn vị đạt chứng nhận 2/3 Lá Sâm Ngọc Linh… Quảng Nam cũng đã được chọn tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề: ‘Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh’. Chuyên trang du lịch Wanderlust của Anh cũng từng lựa chọn Quảng Nam là một trong bốn điểm đến du lịch xanh hàng đầu châu Á, với những sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường.
Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh. |
Thời gian gần đây, khi đến với Quảng Nam, du khách có thể trải nghiệm các sản phẩm du lịch xanh, từ tour khám phá rừng dừa đến các sản phẩm hữu cơ, các nhà hàng hạn chế rác thải nhựa. Trong đó, từ năm 2022, phố cổ Hội An được xây dựng mô hình du lịch xanh thí điểm theo ‘Bộ tiêu chí du lịch xanh’, làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân… học tập, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Bà Trần Thị Sương, chủ một khách sạn ở Hội An chia sẻ, hưởng ứng chủ trương phát triển du lịch xanh của địa phương, chúng tôi đã tuyên truyền, huấn luyện cho nhân viên giảm đến mức thấp nhất việc dùng bao bì, hộp nhựa một lần, tận dụng rác để làm phân hữu cơ bón cho cây xanh trong khuôn viên. Từ đó, giúp cho nhân viên lẫn du khách dần từ bỏ thói quen sử dụng túi nhựa và nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường…
Bên cạnh phố cổ Hội An, trên địa bàn Quảng Nam cũng đã có nhiều điểm du lịch sinh thái khác đã được đưa vào khai thác như: Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang); làng dệt thổ cẩm Zara (huyện Nam Giang); rừng cây di sản Pơmu; rừng Đỗ Quyên và Làng du lịch cộng đồng Tà Lang (Tây Giang); Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước)...
Đến với Quảng Nam du khách có nhiều cơ hội để trải nghiệm các sản phẩm du lịch xanh. |
Có thể nói, ngành du lịch Quảng Nam đang có chuyển biến rất tích cực trên con đường xanh hóa sản phẩm du lịch, góp phần hấp dẫn các du khách cả trong lẫn ngoài nước. Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đánh giá, du lịch xanh bền vững là sự lựa chọn của rất nhiều khách du lịch, nhất là khách từ các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản…
Cần khơi thông những ‘điểm nghẽn’
Được biết, trong năm 2024, ngành du lịch địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam theo từng lĩnh vực phù hợp hơn với điều kiện địa phương; đồng thời xây dựng dự thảo bộ tiêu chí du lịch xanh cho lĩnh vực nhà hàng và cơ sở mua sắm, trải nghiệm (work shop)…
Làng du lịch cộng đồng Tà Lang (Tây Giang, Quảng Nam). |
Là địa phương đầu tiên ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh và đã có nhiều hoạt động hiệu quả, song việc phát triển du lịch xanh tại xứ Quảng vẫn còn khá nhiều ‘điểm nghẽn’. Trên thực tế hiện nay, phát triển du lịch xanh của Quảng Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như, sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động du lịch còn hạn chế, chưa tổ chức thực hành du lịch xanh ở hầu hết lĩnh vực; thiếu cơ chế khuyến khích thực hành du lịch xanh.
Thậm chí, một số doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ với bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam. Nguyên nhân chính, do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn khắc phục hậu quả. Bởi vậy, việc chuyển đổi mô hình sang hướng phát triển du lịch xanh chưa nằm trong mối quan tâm ưu tiên của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đang bắt đầu diễn ra mạnh mẽ càng làm gia tăng áp lực cho việc xử lý chất thải rắn đô thị và xử lý nước thải, rác thải. Cùng với đó, nguồn nhân lực để phát triển du lịch xanh hiện rất hạn chế chủ yếu là kiêm nhiệm và tình nguyện… Đây là những rào cản không nhỏ ảnh hưởng đến việc vận động doanh nghiệp tham gia thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh trong thời gian qua.
Cần khơi thông những ‘điểm nghẽn’ để du lịch xanh phát triển. |
Bởi vậy, theo nhiều người để thuyết phục doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng du lịch xanh cần xác định rõ những lợi ích mà họ nhận được. Thực tế là chỉ cần doanh nghiệp quyết định và thông tin đến khách hàng, đối tác, nội bộ về việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mang tính bền vững, doanh nghiệp đó đã tạo được ấn tượng tốt hơn về thương hiệu của mình. Đây là những giá trị khó có thể đo đếm được. Tuy nhiên, do quy mô và tầm nhìn khác nhau, không phải tất cả doanh nghiệp đều ghi nhận được giá trị vô hình đó. Bởi vậy, cần có thêm sự động viên, hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, hiệp hội du lịch để doanh nghiệp có động lực áp dụng các bộ tiêu chí du lịch xanh.
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng đề xuất, bên cạnh hỗ trợ về chính sách, tài khóa, cơ quan chức năng cần ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy du lịch xanh bắt đầu bằng truyền thông và thu hút nguồn khách thông qua việc tổ chức sự kiện. Chính quyền địa phương cần nghiên cứu giải pháp thị trường hóa sản phẩm du lịch xanh. Trước mắt, cần duy trì sự kiện hội chợ du lịch xanh Quảng Nam định kỳ để đối tác tìm hiểu, thúc đẩy giao dịch sản phẩm du lịch xanh...