Điều hành chính sách tiền tệ: Linh hoạt để hóa giải áp lực
Hoàn thành mục tiêu kép
NHNN Việt Nam vừa có báo cáo gửi Quốc hội cho biết, trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, NHNN đã điều tiết tiền tệ nhằm góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Theo đó, trong những tháng đầu năm để hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN thực hiện chào mua giấy tờ có giá với khối lượng, kỳ hạn phù hợp. Từ giữa tháng 6/2022, trước những diễn biến bất lợi của thị trường quốc tế, NHNN đã phải kiểm soát chặt chẽ tiền tệ để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối thông qua việc phát hành tín phiếu NHNN và kiểm soát khối lượng chào mua qua nghiệp vụ thị trường mở.
NHNN vững tay điều hành chính sách tiền tệ đạt mục tiêu đề ra |
Về công tác điều hành lãi suất, trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng lạm phát quốc tế tiếp tục ở mức cao, trong nước tác động vòng 2 tăng áp lực lên lạm phát, Fed tăng lãi suất nhanh, mạnh... để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, ngày 23/9/2022, NHNN điều chỉnh tăng 1%/năm lãi suất điều hành; tăng 0,3-1% lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND tại TCTD.
Về thị trường ngoại hối, tỷ giá, báo cáo của NHNN cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay đặc biệt là từ giai đoạn tháng 3, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế như Fed tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao, đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới... Trong nước, cân đối cung - cầu trên thị trường ngoại tệ gặp khó khăn, hệ thống TCTD bán ròng ngoại tệ cho khách hàng.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường.
Nhờ đó đến thời điểm này, đồng VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực, diễn biến thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tuy nhiên sức ép đến tỷ giá những tháng cuối năm là rất lớn do đồng USD đang tăng giá mạnh trên thị trường thế giới. Vì thế mới đây NHNN Việt Nam đã điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +-3% lên +-5% đồng thời điều chỉnh tỷ giá trung tâm. Động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt trong điều hành phù hợp với thực tiễn.
Việc lạm phát 9 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức thấp, theo đánh giá của TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, có sự đóng góp tích cực của chính sách tiền tệ, tỷ giá. Kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng là cơ sở quan trọng để tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. Tháng 9/2022, Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm quốc gia kể từ đầu năm 2022 đến nay; đồng thời, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022...
Nhiều thách thức phía trước
Những kết quả tích cực trên tạo đà cho NHNN vững tay điều hành chính sách tiền tệ đạt mục tiêu đề ra. Song, theo báo cáo của NHNN, áp lực lên toàn ngành Ngân hàng trong thời gian tới là rất lớn. Đặc biệt, áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi. Trong khi tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Theo WB, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Moody’s cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lên 124% và 17% - là mức cao nhất các quốc gia xếp hạng Ba và Baa, cảnh báo về rủi ro bất ổn vĩ mô.
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ với những khó khăn của NHNN khi cùng lúc phải thực hiện ba nhiệm vụ: Vừa phải điều hành CSTT hợp lý để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong khi vẫn phải hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế; đồng thời phải đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Chung quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, điều hành CSTT đứng trước nhiệm vụ yêu cầu rất khắt khe phải ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát quá cao, mặt khác lại không được để mất đà phục hồi kinh tế. Trước áp lực đặt ra, TS. Nghĩa khuyến nghị, nên nghiên cứu chi tiết hơn toàn bộ tình hình trong nước và quốc tế để có thể đưa ra quyết định điều chỉnh chính sách linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. “Trong năm tới duy trì đà tăng trưởng có thể đặt ngang hàng với ổn định kinh tế vĩ mô”, TS. Nghĩa lưu ý thêm.
Mặc dù áp lực là rất lớn, nhưng TS. Thành bày tỏ tin tưởng NHNN có đủ khả năng để đạt mục tiêu đặt ra. Thứ nhất, ngành Ngân hàng đã trải qua nhiều biến động trong thời gian dài, đối phó với nhiều cú sốc nên có kinh nghiệm ứng xử với cú sốc đó. Thứ hai là NHNN điều hành chính sách tiền tệ tương đối nhuần nhuyễn trong đảm bảo thanh khoản; phối hợp giữa chính sách tài khoá, tiền tệ ổn hơn. Thứ ba, sức khỏe hệ thống ngân hàng hiện tại đã được cải thiện rất nhiều. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn đang tiếp tục, nhiều NHTM đáp ứng chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Hiện gần 20 NHTM đã được công nhận đạt chuẩn Basel II, trong đó có 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột.