Phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm tăng 22%
Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2022, ông Dương Tiến Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán, tăng 22,1%. Đã có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 75% dự toán trở lên; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ; 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ. Về chi NSNN, trong 9 tháng qua, chi NSNN đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 68,3% dự toán.
Theo ông Dũng, các nhiệm vụ chi NSNN 9 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN. Riêng về chi đầu tư phát triển, giải ngân 9 tháng đầu năm tuy giá trị có tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu. Tỷ lệ giải ngân mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 19,07% kế hoạch. Có 7 bộ và 20 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% kế hoạch, trong khi vẫn còn 14 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch vốn được giao.
Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% năm nay vẫn “trong tầm tay” |
Trên cơ sở tình hình thực hiện thu NSNN 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022 xuất khẩu tăng 9,46%, nhập khẩu tăng 10,5% so với năm 2021, giá dầu tiếp tục giữ mức cao, Bộ Tài chính đánh giá cả năm thu NSNN ước thực hiện vượt dự toán, trong đó các lĩnh vực tăng khá như thu từ dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh và thu từ tiền sử dụng đất...
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Dẫn số liệu thống kê mới nhất vừa được công bố, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước (tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước); CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Như vậy sau 9 tháng, CPI bình quân mới chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Ông Truyền cho rằng với diễn biến của CPI trong 9 tháng qua sự hỗ trợ của nhiều yếu tố, kỳ vọng lạm phát sẽ được kiểm soát theo đúng mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Cụ thể, những mặt hàng do nhà nước định giá sẽ ổn định từ giờ đến cuối năm theo đúng sự kiên định trong điều hành là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát. Trong khi đó tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam được đánh giá ở mức độ khả quan, những cân đối lớn trong nền kinh tế vẫn đang tốt, đó là những yếu tố sẽ giúp ổn định thị trường giá cả.
Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý giá cũng nhận định, vẫn còn nhiều áp lực gây tăng giá trong thời gian tới. Đơn cử, như giá nhiên liệu, năng lượng. Mặc dù thời gian qua, giá năng lượng có xu hướng giảm nhưng do diễn biến phức tạp do cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ khiến giá các mặt hàng này tăng trở lại trong thời gian tới. Bên cạnh đó, trong cảnh lạm phát tăng nhanh diễn ra trên toàn cầu cũng sẽ tác động tới chuỗi cung ứng, hàng hoá, nguyên liệu nhập khẩu từ đó gây áp lực tăng giá trong nước. Ngoài ra, nền kinh tế nước ta còn chịu tác động từ thiên tai do từ giờ đến cuối năm sẽ còn nhiều cơn bão, gây ngập lụt ở một số địa phương, có thể làm tăng giá cục bộ hàng hoá thiết yếu, thực phẩm. “Tuy có nhiều áp lực nhưng cùng với các yếu tố tích cực, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% vẫn trong tầm tay. Trong thời gian tới, Cục Quản lý giá sẽ tăng cường các biện pháp yêu cầu niêm yết, công khai giá, tăng cường thanh kiểm tra trên thị trường”, ông Truyền cho biết.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là mục tiêu nhất quán xuyên suốt hoạt động của ngành tài chính. Trong 9 tháng qua, dù đối mặt với áp lực lạm phát lớn nhưng các bộ, ngành liên quan đã cùng chung tay thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn hàng, chuỗi cung ứng không đứt gãy, không làm gia tăng chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền một loạt chính sách về thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là giảm thuế đối với xăng dầu - mặt hàng đầu vào quan trọng của sản xuất. Ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản khác về thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… để ứng phó với diễn biến giá xăng dầu trên thế giới, giữ mục tiêu giữ ổn định được giá của mặt hàng chiến lược này.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường, không chủ quan, lơ là, điều phối nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, cùng các chính sách khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát.