Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới
Chiều 20/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới".
Tham dự tọa đàm có TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh; ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế; TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm |
Điều chỉnh chính sách kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Thông tin tại tọa đàm cho thấy, tại hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã thống nhất cao chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn".
Việc điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và phù hợp với thực tiễn; đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Việc điều chỉnh này trên nền tảng lạm phát ở nước ta được kiểm soát tốt; lạm phát thế giới đã qua đỉnh và dự báo có xu hướng giảm trong thời gian tới; khoảng cách lãi suất thực dương khá lớn (5-6%); cung tiền M2 tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP theo giá hiện hành.
Đánh giá về điều nay, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, hiện nay dư địa vĩ mô còn khá lớn, do đó việc Chính phủ chỉ đạo chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn" là đúng hướng. Mục tiêu là để thúc đẩy tăng trưởng. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ còn để khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh trì trệ hiện nay.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, điều này là hoàn toàn phù hợp khi trong thời kỳ quý I đến quý III năm ngoái, lạm phát của thế giới tương đối cao. Lúc đó chính sách tiền tệ của chúng ta là "chặt chẽ". Cuối năm ngoái, về cơ bản lạm phát của chúng ta kiểm soát tốt và lạm phát toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thì chúng ta chuyển sang trạng thái "chắc chắn" và thực hiện được đa mục tiêu. Còn thời điểm hiện nay, Chính phủ cũng như Thủ tướng quyết định chuyển sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng" là hoàn toàn phù hợp.
Theo ông Lực, bây giờ chúng ta cần thay đổi chính sách phù hợp để phục hồi và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, chúng ta nới lỏng nhưng linh hoạt, tức là vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định được kinh tế vĩ mô.
Ông Lực nhấn mạnh, giảm lãi suất ngân hàng chỉ là một phần, quan trọng nữa là tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, của DN. Muốn thế phải triển khai đồng bộ các giải pháp; giải quyết những trì trệ hiện nay của bộ máy hành chính, tháo gỡ những vướng mắc của thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay vốn. Cùng với đó, khơi thông các kênh dẫn vốn khác, trong đó có nguồn vốn từ trái phiếu DN.
Ở góc độ quản lý doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc chuyển hướng nới lỏng chính sách tiền tệ là rất đúng với nhu cầu hiện nay của DN. Hiện nay DN đang thiếu vốn, như ruộng đồng khô hạn cần nước. Theo ông Tuấn, hiện nay DN đang đối mặt khó khăn, dòng vốn bị ách tắc do ảnh hưởng của vấn đề trái phiếu DN vừa qua, đơn hàng khó khăn... Do đó, việc Chính phủ chỉ đạo giảm lãi suất, tăng cung tiền cho DN vay với chi phí hợp lý là chính sách rất đúng trong bối cảnh hiện nay.
Tập trung thúc đẩy các chính sách để thực thi
Hiện nay, "gánh nặng" cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn đang dồn lên vai hệ thống ngân hàng do thị trường vốn vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao và theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, nếu tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao như những năm trước đây sẽ rất rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế, nhất là khi nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, song vẫn phải "gánh" cả nhiệm vụ cung ứng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.
Nhìn về nửa cuối năm 2023, vẫn còn đó những "cơn gió ngược" của năm cũ gây áp lực lên lạm phát, tỷ giá, lãi suất... Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục là thách thức không hề nhỏ.
Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian tới cần phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và các chính sách khác như hoàn thuế giá trị gia tăng để nhanh chóng có nguồn lực cho DN, không nên để nguồn lực của DN bị tồn đọng vì vấn đề trì trệ của thể chế; không được có những chính sách cản trở, là rào cản đối với sản xuất, kinh doanh của DN, như các quy định về phòng cháy chữa cháy. Để khơi thông nguồn lực, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, đó là làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục của DN; giải quyết sớm những kiến nghị của DN...
Với quan điểm của mình, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh, Chính phủ muốn đa mục tiêu thì phải đa công cụ, cho nên chính sách tiền tệ dù quan trọng nhưng không phải là tất cả. Trong những điều kiện nhất định, đặc biệt là với nền kinh tế mở, khi một chu chuyển vốn rất mạnh, nhiều khi chính sách tiền tệ "không khéo" hiệu lực lại rất thấp. Thế nên kể cả đa mục tiêu, chúng ta phải phối hợp rất chặt chẽ với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, ngân sách.
Ông Thành cho rằng, các mục tiêu cần bảo đảm là lạm phát không quá 4,5% như Quốc hội đã yêu cầu; bảo đảm tỷ giá. Đặc biệt, cần kiểm soát dòng tiền, nhất là tiền vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Theo ông Thành, bất động sản cũng là kênh tăng trưởng nên việc kiểm soát dòng tiền vào lĩnh vực này cần hài hòa.
TS Võ Trí Thành nêu rõ, dư địa để nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất là có, nhưng hạ lãi suất không phải là chìa khóa vạn năng, mà cần đồng bộ các giải pháp khác. Cần tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn, đồng thời kiểm soát các rủi ro (lạm phát, tỷ giá, dòng tiền).
Chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất 4 nhóm giải pháp quan trọng: Thứ nhất, chúng ta đã tung ra rất nhiều gói chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ như vừa qua, bây giờ hãy thực thi cho thật tốt. Đây là động lực tăng trưởng rất quan trọng ngoài cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chúng ta đã chia sẻ từ đầu đến giờ.
Thứ hai, phải hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tốt hơn đầu ra để xuất khẩu đỡ bị giảm. Bây giờ chúng ta giảm 12%, để nó giảm 5-6% thôi là đỡ đi rất nhiều.
Thứ ba, là đầu tư công. Nếu chúng ta giải ngân hết 95% kế hoạch đầu tư công mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thì chúng ta sẽ có thêm 2 điểm phần trăm tăng trưởng.
Thứ tư, là liên quan đến tiêu dùng. Nếu như tiêu dùng của chúng ta tăng thêm 1% thì sẽ tăng trưởng kinh tế tăng thêm 0,2 điểm phần trăm. Nghĩa là giả sử tiêu dùng của chúng ta tăng thêm 10% thì chúng ta có thêm 2 điểm phần trăm tăng trưởng bổ sung thêm.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, chính sách cần đồng bộ hơn nữa. Nghĩa là ngoài chính sách tiền tệ, tài khoá đã vào cuộc thì rõ ràng những chính sách khác cũng phải vào cuộc quyết liệt như đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
“Đã đến lúc chúng ta cần có KPI cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương và cá nhân không làm đúng thời hạn, thời điểm, đúng như tinh thần chỉ đạo thì phải có chế tài. Như vậy sẽ tạo ra thông điệp mạnh mẽ về thực thi, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tốt hơn nữa, để đảm bảo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm”- ông Lực nhấn mạnh.