Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Công Thương về thực hiện chính sách, pháp luật ngành năng lượng
Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Trong giai đoạn 2016-2021, công tác cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phá triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí tăng cao, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm an ninh cung ứng điện. Đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo.
Đặc biệt, đã tích cực thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệpnhà nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu |
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Trong giai đoạn 2016-2021, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp tăng trưởng bình quân 8,7%/năm. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng trưởng khá nhanh, bình quân 7,9%/năm giai đoạn 2015-2019, đạt mức 64,542 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2019. Do ảnh hưởng của đại dịch, tăng trưởng Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của năm 2020 so với năm trước đó chỉ còn 2,28%, đạt giá trị 66.014 triệu tấn dầu quy đổi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra những thách thức trong quá trình đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia như: Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; trữ lượng xác minh các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống có khả năng khai thác không lớn, năng lượng, trữ lượng xác minh các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống có khả năng khai thác không lớn, năng lực sản xuất, phân phối và khả năng dự phòng năng lượng trong nước còn hạn chế, theo đó việc tự chủ nguồn cung năng lượng trong nước là thách thức lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Từ những khó khăn, thách thức cũng như vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách phát triển năng lượng trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương kiến nghị cần điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung của Luật Điện lực để phù hợp với bối cảnh phát triển mới của ngành điện lực nói chung và năng lượng xanh, sạch nói riêng đạt được hiệu quả theo yêu cầu, phù hợp với thực tiễn, đồng thời, cần có đánh giá, xây dựng các tiêu chí xác định lĩnh vực được ưu đãi, luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam làm tiền đề thúc đẩy phát triển bền vững, thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển điện lực.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Bộ Công Thương cơ bản bám sát đề cương của Đoàn giám sát và đã mạnh dạn đề cập nhiều vấn đề trong thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong giai đoạn 2016 – 2021. Đồng thời ghi nhận các thành viên Đoàn giám sát nhìn nhận, thời gian qua BộCông Thương đã nỗ lực trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; tổ chức thực hiện, tổ chức triển khai theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần phát triển bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương cần xây dựng Danh mục về các văn bản quy phạm pháp luật có những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, trong đó bao gồm luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng; nêu rõ quan điểm của Bộ về xây dựng Luật Năng lượng tái tạo hay đưa vào điều chỉnh tại dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đối với ngành năng lượng mới này; đánh giá cơ chế, chính sách về kinh tế năng lượng, cũng như tài chính năng lượng … Đồng thời, cần cung cấp Danh mục về các dự án trọng điểm năng lượng ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia hiện nay chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc, có sai phạm, dừng hoạt động …
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu |
Kết luận tại buổi làm việc Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao người đứng đầu ngành Công Thương đã trả lời chi tiết, cụ thể vào các vấn đề mà Đoàn giám sát đưa ra. Ôngcho biết, Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ nghiêm túc nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị của Bộ Công Thương về điều chỉnh một số nội dung của các luật, chính sách trong phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đoàn Giám sát cũng .
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện Báo cáo theo hướng có so sánh giữa giai đoạn trước khi tiến hành giám sát để nêu bật vấn đề an ninh năng lượng cho thời kỳ từ năm 2011 - 2016, từ năm 2016 - 2021 và từ năm 2021 đến nay đã hoàn thành được những mục tiêu nào trong các mục tiêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những vấn đề tồn tại, hạn chế trong giai đoạn giám sát cần được báo cáo rõ.
Ngoài ra, cập nhật việc thực hiện Quy hoạch điện VIII, một số vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm…; làm rõ những tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam trong phát triển năng lượng. …
Báo cáo bổ sung các vấn đề trên được Đoàn giám sát đề nghị Bộ Công Thương nộp trước ngày 25/7/2023.