Doanh nghiệp chuyển đổi số “vượt bão” Covid-19
Covid-19: Động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số | |
Chuyển đổi số ngân hàng: Ngôi sao nào dẫn đường? | |
Tiến nhanh để không lỡ nhịp… |
“Cái khó ló cái khôn”
Theo một báo cáo mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, 73,8% doanh nghiệp trả lời họ có thể phá sản nếu dịch bệnh kéo dài trên 6 tháng do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương, chi trả tiền lãi vay ngân hàng cùng các chi phí khác. 19% doanh nghiệp chưa có giải pháp gì để ứng phó với những rủi ro do yếu tố khách quan xảy đến một cách bất ngờ.
Dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế, ảnh hưởng ở tất cả mọi ngành nghề là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xét ở một góc độ tích cực, chính dịch Covid-19 lại đang thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.
Chuyển đổi số là bước đi khôn ngoan giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi sau dịch - Ảnh: ST |
Ghi nhận trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp của tất cả các ngành đã áp dụng công nghệ trong sản xuất, nhất là bán hàng theo hướng số hóa mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là khi lệnh cách ly xã hội được ban hành, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đều đồng loạt chỉ bán take away (mua đồ mang đi), cửa hàng đóng cửa và sản phẩm từ quầy được đem lên mạng một cách triệt để. Các siêu thị cũng đồng loạt cung cấp dịch vụ giao hàng online, các hãng xe công nghệ cũng nhanh chóng cho ra đời các dịch vụ mới như “đi chợ online”. Một số doanh nghiệp trong ngành bất động sản cho các dự án lên mạng, bán qua các phần mềm, thực hiện quay video giới thiệu dự án cho khách hàng thay vì xem trực tiếp như trước.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyển đổi số là công cụ hiệu quả nhất trong lúc này. Nó sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản suất, hiệu quả công việc cao lên và đặc biệt là ngăn chặn dịch bệnh phát tán do tiếp xúc trực tiếp. Trước kia chuyển đổi số chỉ có mức độ, trong lúc khó khăn này chính là thời cơ và động lực tốt nhất để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi số.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trước lệnh cách ly của Chính phủ, chuyển đổi số là cách duy nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh mà không có sự tiếp xúc trực tiếp, không cần đi đến tận nơi, đây là một cơ hội rất tốt, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng.
Cần nhiều nỗ lực trong thời gian tới
Theo TS. Lê Đăng Doanh, đây chính là giai đoạn thực hiện mạnh mẽ việc chấp nhận chữ kí điện tử, hợp đồng điện tử. Để có thể chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần tổ chức lại việc quản trị doanh nghiệp, thực sự vận hành thông suốt chuyển đổi số, công khai minh bạch các giao dịch. Các doanh nghiệp có thể thuê các công ty dịch vụ để giúp chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang đẩy mạnh Chính phủ điện tử, đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp số hóa.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để có thể chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải có cả phần cứng, phần mềm, có những giao dịch với nền tảng công nghệ số. Đương nhiên, bước ban đầu đòi hỏi có chi phí nhất định, tuy nhiên chi phí này không phải quá đắt.
Một vấn đề cần phải lưu tâm đó là về bảo mật. Cần phải chọn những đối tác đủ độ tin cậy và có tầm nhìn phát triển, mọi thông tin, yêu cầu đến được với khách hàng, đối tác nhưng cũng cần bảo mật. Vì vậy, sự kết hợp giữa doanh nghiệp với chủ thể công nghệ số rất quan trọng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần hiện đại hóa quá trình sản xuất kinh doanh và làm quen với các nền tảng công nghệ số. Đồng thời các cơ quan hữu quan cũng hoàn thiện các chính sách liên quan đến kinh doanh điện tử, bảo mật… để các doanh nghiệp có phương thức kinh doanh, sử dụng dòng tiền của mình một cách hợp lý nhất, từ đó phát triển thương mại điện tử.
“Khoảng thời gian ngừng nghỉ này là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận nền kinh tế số, từ đó làm việc hiệu quả hơn, giúp chúng ta đi gần hơn với nền kinh tế số của thế giới” - ông Thịnh nhấn mạnh.