Doanh nghiệp niêm yết cần chuẩn bị gì khi thị trường nâng hạng?
Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán |
30 tỷ USD chờ cơ hội… rót vốn?
“Theo số liệu ước tính của Ngân hàng Thế giới trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 đến 30 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế, cả đầu tư thụ động lẫn đầu tư chủ động vào thị trường Việt Nam cho đến năm 2030. Dòng vốn mới này kỳ vọng sẽ cải thiện về quy mô thanh khoản của TTCK Việt Nam, tương tự như câu chuyện nâng hạng từ các thị trường chứng khoán khác”, bà Hiền cho hay.
Thống kê trong giai đoạn 2010 đến 2020, hầu hết TTCK các nước đều tăng điểm mạnh mẽ trong vòng một năm kể từ khi được MSCI công bố nâng hạng từ nhóm thị trường cận biên sang nhóm thị trường mới nổi. Chẳng hạn như tháng 3/2013, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar đều tăng lần lượt là 39 và 51% trong vòng một năm kể từ khi nâng hạng. Thị trường chứng khoán Pakistan được MSCI công bố nâng hạng từ tháng 6/2016 và sau đó tăng 39%. Chỉ số của thị trường Ả Rập Thống nhất đã tăng 14% trong vòng một năm kể từ khi nâng hạng vào tháng 6/2018. Chỉ duy nhất có thị trường Kuwait giảm 7,6% sau khi được nâng hạng tháng 12/2019 do đúng vào giai đoạn khó khăn nhất của thế giới khi covid xuất hiện.
Nhìn từ câu chuyện nâng hạng của thị trường Kuwait bà Hiền cho rằng, cho dù thời điểm nâng hạng có bị những yếu tố bất ngờ chi phối trong ngắn hạn thì nhìn về phía dài hạn, các yếu tố tích cực vẫn còn nguyên vẹn và trong 3 năm sau khi được công bố nâng hạng sang thị trường mới nổi, điểm số của TTCK Kuwait tăng 39%. Định giá của thị trường cũng thay đổi khi chỉ tiêu thông thường hay sử dụng là chỉ tiêu giá thị trường trên lợi nhuận (P/E) trước khi được công bố nâng hạng, (giai đoạn năm 2015 đến 2019), P/E của thị trường này chỉ ở mức 12,5 lần nhưng sau khi được công bố nâng hạng, trung bình P/E ở giai đoạn 2020 đến nay định giá taw lên 26%.
Về phía DN, khi được gia nhập vào sân chơi các thị trường mới sẽ có nhiều lợi ích như: Thứ nhất, gia tăng số lượng và chất lượng của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư. Thứ hai, gia tăng cơ hội thành công trong các hoạt động tăng vốn IPO hoặc tìm kiếm đối tác chiến lược. Thứ ba, nâng cao được hình ảnh và uy tín của chính DN trên sân chơi quốc tế và gia tăng cơ hội tiếp cận với công nghệ mới, tìm kiếm cái đối tác mới và cái điều này hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của DN. Thứ tư, DN sẽ có cơ hội thực hành các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong các hoạt động của DN, đặc biệt là trong hoạt động là quản trị. Cuối cùng là tất cả những yếu tố trên sẽ góp phần cải thiện cái định giá của cổ phiếu theo góc nhìn của các nhà đầu tư chuyên nghiệp quốc tế.
DN cần phải chuẩn bị những gì?
Tuy nhiên, khi bước ra sân chơi lớn hơn chúng ta sẽ gặp thách thức càng lớn. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của TTCK nói chung và các DN niêm yết nói riêng là do xuất phát từ quy mô vốn hóa khá nhỏ. Đó khi thị trường nâng hạng, số lượng cổ phiếu đáp ứng đủ các tiêu chí của nhóm MSCI không nhiều. Minh chứng cho thấy hiện tại trong rổ phân loại thị trường cận biên của MSCI, mặc dù tỷ trọng của Việt Nam lớn nhất, chiếm đến 26%, tuy nhiên trong top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số này, Việt Nam chỉ đóng góp được 2 cổ phiếu.
Khó khăn, thách thức thứ hai đến từ việc khi chúng ta càng mở rộng đối với thế giới, độ mở của thị trường càng lớn thì biến động của các yếu tố bên ngoài sẽ gia tăng, tác động lên TTCK nói chung và các cổ phiếu niêm yết nói riêng. Thứ ba, khi gia nhập vào các thị trường mới nổi, sự cạnh tranh với các cơ hội đầu tư tại các thị trường khác tăng lên.
Trong bối cảnh đó, các DN niêm yết cần phải chuẩn bị những gì. Các chuyên gia cho rằng, thứ nhất là về các dịch vụ quan hệ cổ đông và nhà đầu tư (IR) cần phải được chuyên nghiệp hóa, đảm bảo tính nhất quán về tần suất và hàm lượng của các thông tin được cung cấp, tránh tình trạng hoạt động IR chỉ diễn ra sôi nổi khi DN có nhiều thông tin tốt; và ngược lại rơi vào im ắng khi tình hình trở nên không tốt. Đồng thời, DN cũng cần đa dạng hóa các kênh tiếp cận thông tin với nhà đầu tư vì hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài hay cá nhân không chỉ tiếp cận qua các kênh truyền thống như website hay công bố thông tin bằng văn bản mà họ cần tìm kiếm thông tin thông qua các kênh như Youtube hoặc Facebook...
Thứ hai, các DN cần tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh và chuẩn hóa theo các thông lệ của quốc tế. Vấn đề này đã được đề cập rất nhiều khi các tổ chức xếp hạng quốc tế đều đánh giá khả năng tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam còn hạn chế. Mặc dù đã có quy định về việc bắt buộc công bố thông tin định kỳ song ngữ từ năm 2025, tuy nhiên ngoài các hoạt động công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh, các thông tin khác về hoạt động thường xuyên của DN ít khi được công bố bằng tiếng Anh.
Thứ ba, cần nâng cao quản trị DN. Ngoài việc triển khai áp dụng báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế (ISRF) thì DN cũng cần chú ý đến tiêu chuẩn vận hành của Hội đồng quản trị, bao gồm các nghị quyết, chính sách, quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị theo thông lệ quốc tế. Việc hành động để các DN hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững là một xu hướng tất yếu đang diễn ra trên toàn cầu. Tăng trưởng xanh không chỉ còn là trách nhiệm mà còn là yếu tố để DN có thể duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và phát triển trong bối cảnh mới. Đây là không phải câu chuyện riêng của các công ty đại chúng hay công ty niêm yết mà còn là câu chuyện chung của tất cả các DN Việt Nam.
“Theo các khảo sát và thống kê, các DN có mục tiêu phát triển bền vững, rõ ràng, thực hành nguyên tắc quản trị công ty tốt hơn sẽ có hiệu quả hoạt động tốt hơn. Đồng thời điều này cũng sẽ giúp hạn chế được các tác động tiêu cực từ các biến động vĩ mô bên ngoài và tiếp tục duy trì định giá cổ phiếu tốt hơn trong nhóm tốt hơn so với nhóm các DN còn lại”, bà Hiền cho hay.