Doanh nghiệp Pháp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, thực phẩm an toàn
Toàn cảnh hội thảo |
Đó là chia sẻ của ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam tại hội thảo "Kinh nghiệm của Pháp - động lực tạo sự cạnh tranh và tính bền vững cho ngành chăn nuôi" diễn ra ngày 30/8/2022.
Trong gần 50 năm qua, Việt Nam và Pháp đã chuyển từ mối quan hệ hợp tác phát triển truyền thống sang quan hệ đối tác chiến lược, trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục và y tế, thương mại và đầu tư, tăng trưởng xanh, năng lượng, an toàn thực phẩm...
Đáng kể là trong quan hệ kinh tế và thương mại, tính đến nay đầu tư trực tiếp (FDI) của Pháp vào Việt Nam đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn FDI của EU đang đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 16/141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Với năng lực vượt trội của mình, nhiều công ty Pháp có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, năng lượng sạch, quản lý chất thải, vận tải hàng hải và hậu cần.
Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020, hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Pháp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, phù hợp với tiềm năng to lớn của hai nước, ông Phạm Ngọc Mậu nhận định.
Tại Việt Nam cũng như Pháp, ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với ba thách thức lớn: Việc nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất, cho phép họ vừa đảm bảo nguồn thu nhập đáng kể, vừa có thể chinh phục các thị trường mới có lợi hơn. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đã được coi là một mối đe dọa cho sức khỏe con người.
Việc sử dụng kháng sinh một cách hợp lí trong chăn nuôi cũng là một động lực để thúc đẩy xuất khẩu trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do. Tính bền vững của các ngành hàng, đặc biệt bằng cách giảm thiểu tác động đến môi trường, ưu tiên các chuỗi giá trị ngắn và tích hợp giữa trồng trọt-chăn nuôi, bà Cécile Vigneau, Đại biện Lâm thời, Đại sứ quán Pháp cho biết.
Pháp là đối tác châu Âu hàng đầu của Việt Nam về giống vật nuôi. Đây cũng là ngành hàng được xuất khẩu nhiều thứ tư trong số các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Pháp. Hơn nữa, Pháp có kỹ năng vững vàng khi nắm vững chuyên môn về kỹ thuật và vệ sinh trong quản lý chăn nuôi (trang thiết bị, thức ăn chăn nuôi, sức khỏe động vật).
“Một nền chăn nuôi bền vững và có khả năng chống chịu cao đóng một vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và chống biến đổi khí hậu. Việc trung hòa các-bon trong nông nghiệp sẽ không thể đạt được nếu thiếu sự vào cuộc của ngành chăn nuôi. Do đó, chúng ta phải phát triển các cách thực hành hiệu quả nhằm làm giảm tác động của chăn nuôi đến khí hậu” - bà Cécile Vigneau bày tỏ.
Hiện, Pháp là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, nền chăn nuôi Pháp từ lâu đã được công nhận rộng rãi về chất lượng các giống vật nuôi được chọn, cũng như sự theo dõi sát sao về chế độ ăn uống và phúc lợi động vật trong suốt chu kỳ sản xuất.
Những kinh nghiệm quý của các đối tác Pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Bộ NN&PTNT nói riêng tập trung vào định hướng phát triển sản xuất nông - lâm và thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm đảm bảo tận dụng tối đa các nguồn lợi, đặt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia các FTA buộc Việt Nam phải hoàn thiện cơ chế chính sách tạo hành lang và tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Mậu nhấn mạnh.
Mong muốn chung của Pháp và Việt Nam trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước. Sự hợp tác này sẽ được tiếp nối bằng các trao đổi mới ngay trong tháng 11 tới, cụ thể là chuyến thăm Việt Nam của các doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa.