Doanh nghiệp vẫn “bị hành” vì thủ tục
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho rằng, TP.HCM đang kém hấp dẫn so với các tỉnh, thành khác về chỉ số cạnh tranh môi trường đầu tư, một phần do những bất cập trong cơ chế. Chẳng hạn, Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định cơ chế ủy quyền cấp giấy phép về tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho các tỉnh, thành và xuống tận ban quản lý khu công nghiệp (KCN), nhất là các ban quản lý có đầy đủ năng lực. Điều này có vẻ như chế độ "một cửa" tại ban quản lý KCN đã được thực hiện, nhưng thực chất là 2 lớp giấy phép. Theo đó, các doanh nghiệp phải có "giấy phép" của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường thì ban quản lý mới cấp được giấy phép sau thẩm định.
"Vì quy định này mà rất nhiều doanh nghiệp gặp rắc rối khi thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đánh giá tác động môi trường. Điển hình như Công ty CP Đầu tư Thương mại Sunshine Tech - Chi nhánh TP.HCM đổi tên là Công ty Unicloud - Chi nhánh TP.HCM đã làm thủ tục 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được giấy phép tác động môi trường. Nhiều doanh nghiệp khác cũng trong tình trạng tương tự", ông Bé phản ánh.
Ảnh minh họa. |
Một bất cập khác được HBA đề cập là hệ số sử dụng đất trong công nghiệp quy định tại KCN V.Sip, KCN Sóng Thần (Bình Dương) là 70% nhưng tại khu công nghệ cao hiện nay chỉ 50%. Doanh nghiệp làm các mái che xe công nhân, ki-ốt, nhà vệ sinh đều buộc phải tính vào 50% diện tích xây dựng...
HBA nêu dẫn chứng cũng là nội dung "Điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000", Khu chế xuất Linh Trung 3 tại Tây Ninh được giải quyết trong 2 tháng là có giấy phép nhưng cũng nội dung này tại Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 tại TP.HCM thì hơn 2 năm vẫn chưa có giấy phép.
Ngoài ra, HBA cho rằng ban quản lý và phòng xây dựng khu công nghệ cao đã ban hành nhiều chi tiết ngặt nghèo trong triển khai cụ thể dự án của doanh nghiệp đến mức ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và bảo mật ngành nghề của doanh nghiệp. Với hồ sơ xin đăng ký, cấp đổi chứng nhận đầu tư, ban quản lý khu công nghệ cao yêu cầu những thông tin quá chi tiết về cột mốc thời gian xin phê duyệt quy hoạch, bản vẽ, xây dựng... gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giải trình nội bộ, làm phức tạp hóa thủ tục đầu tư. Chưa kể, đây là những thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, chiến lược hoạt động của doanh nghiệp.
Chủ tịch HBA chỉ ra hiện tượng công chức "sợ trách nhiệm" khi thực thi nhiệm vụ, kể cả người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đáng ngại hơn, có hiện tượng "vẽ rắn thành rồng", quy định của nhà nước được thêm thắt cho chặt chẽ đến mức thành "nút thắt".
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, thừa nhận vấn đề thực hiện thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế, gây phiền hà cho doanh nghiệp vì thẩm quyền nằm ở nhiều nơi. Ban Quản lý cam kết sẽ là đầu mối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp theo cơ chế một cửa liên thông; tối ưu hóa hoạt động, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp thực hiện.
Để gỡ vướng cho doanh nghiệp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho hay trong năm 2022, bên cạnh Nghị quyết 02 của Chính phủ về đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, các sở, ngành cố gắng rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành đang cung cấp thủ tục hành chính trực tuyến với trên 90% thủ tục giải quyết theo cấp độ 4.