Đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
6 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trước dịch Covid-19 | |
Ngành Ngân hàng: Các chính sách đang hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp và người dân |
Nhiều giải pháp hỗ trợ của ngân hàng đã tới doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, tình hình dịch bệnh chưa biết thời điểm nào kết thúc, mức độ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế tăng lên theo cấp số nhân. Chính điều đó làm siết lại hoạt động của nhiều lĩnh vực như hàng không, giao thông vận tải… thậm chí nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hoạt động, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Theo Phó Thống đốc, phía trước còn rất nhiều câu chuyện phải bàn và nghiên cứu, từng bước định hình sự hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách đối với nền kinh tế cũng như sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với DN, người dân mức độ thế nào để đảm bảo mục tiêu chính trị lúc này là hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Điều này cũng chính là giải quyết khó khăn cho ngành Ngân hàng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Trên tinh thần đó, lãnh đạo NHNN muốn lắng nghe trao đổi báo cáo tình hình triển khai Thông tư 01 của các ngân hàng ra sao, có gặp vướng mắc gì không và đưa ra gợi ý chính sách để tạo hiệu ứng đồng bộ chung cho cả hệ thống.
Báo cáo cụ thể tình hình, Tổng giám đốc TPBank, ông Nguyễn Hưng cho biết, trước khi có Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01), TPBank đã chủ động xem xét danh mục khách hàng, sau đó tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Thông tư 01, có biện pháp cụ thể hỗ trợ cho khách hàng. Trong danh mục khách hàng phân tích có khoảng 20% khách hàng bị ảnh hưởng nặng, 40% khách hàng còn lại bị ảnh hưởng tương đối, 40% khách hàng khác ít bị ảnh hưởng, 13% không bị ảnh hưởng như hàng tiêu dùng, thiết yếu… TPBank dự kiến trong tháng 3 xem xét giãn nợ khoảng 200 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01 với dư nợ 1.500 tỷ đồng. Tổng số khách hàng bị ảnh hưởng khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng/tổng dư nợ.
Sacombank cũng là một trong những ngân hàng đưa ra gói giải pháp bài bản để hỗ trợ khách hàng. Báo cáo nhanh với lãnh đạo NHNN, Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, căn cứ quy định tại Thông tư 01, ngân hàng ban hành Quy chế 20, đồng thời lên danh sách cụ thể đối với 22.000 tỷ đồng dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đề xuất thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, trong đó có 7.000 khách hàng cá nhân, 15.000-17.000 khách hàng DN.
Theo chia sẻ của bà Diễm, trong tháng này ngân hàng giải quyết 7.000 tỷ đồng và xử lý nốt phần còn lại trong tháng sau. Có điểm khác tại Sacombank không thực hiện miễn lãi mà chỉ kéo dài thời hạn, cơ cấu lại nợ. Nhưng bên cạnh đó, ngân hàng có chính sách giảm lãi cho khách hàng, căn cứ thanh khoản, lãi suất đầu vào... ngân hàng cân đối tài chính giảm lãi suất từ 1-2%/năm cho khách hàng. Đối với lĩnh vực thật sự khó khăn, ngân hàng có thể giảm tới 2,5%/năm. Ngoài ra, ngân hàng còn dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thông thường. Hiện tại gói tín dụng này đã giải ngân được 4.000 tỷ đồng.
Tại HDBank cũng đưa ra nhóm giải pháp chủ động vừa hỗ trợ cơ cấu nợ, giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm tùy mức độ ảnh hưởng của khách hàng. Đồng thời, ngân hàng đưa ra gói sản phẩm phối hợp với DN lớn để duy trì nhu yếu phẩm, bình ổn giá trên thị trường với mức lãi suất cho vay chỉ 6,5-7,5%/năm.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Từ Tiến Phát – Phó Tổng giám đốc ACB cho biết, ý thức với sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về việc triển khai hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hiện ACB đã triển khai đồng bộ 4 giải pháp. Về việc triển khai Thông tư 01, từ ngày 18/3, ACB tiếp nhận các yêu cầu khách hàng, thống kê sơ bộ thì ngân hàng đã tiếp nhận 392 yêu cầu khách hàng với tổng dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng. Số lượng khách hàng như vậy tương đối lớn.
Về cho vay mới, trước thời điểm vào tháng giêng, ACB đã công bố gói cho vay 25.000 tỷ đồng, thấp hơn lãi suất từ 1-2%. Đến cuối tháng 2, ACB đã giải ngân cho 21.900 khách hàng với hơn 20.000 tỷ đồng, cam kết sẽ mở rộng gói này sau khi sử dụng hết. Đối với nhóm khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp bởi dịch bệnh này thì ACB cung cấp thêm gói tín dụng 5.000 tỷ đồng, cho vay để khách hàng khôi phục hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh; đối với gói này, ACB để thời hạn 12 tháng, sau 12 tháng khách hàng mới thực hiện thanh toán.
Với chính sách giảm phí theo chủ trương của NHNN và Napas, ông Phát cho biết, không những giảm phí một phần mà ACB hoàn toàn miễn phí cho khách hàng, đặc biệt là trên online. Với một số loại thẻ, ACB còn hoàn toàn miễn phí trên ATM, kể cả khách hàng dùng thẻ ATM ở ngân hàng khác thì ACB cũng hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, với khách hàng DN, về phần thanh toán quốc tế thì ACB giảm 50%.
Ngoài ra, để duy trì hoạt động kinh doanh, hoạt động liên tục thì ACB cũng đã có Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19. Ngoài việc xây dựng kịch bản cho hoạt động của ACB liên tục thì khách hàng đến giao dịch đều phải đeo khẩu trang. ACB cam kết triển khai đúng, đầy đủ các chỉ đạo của NHNN và đặc biệt là Thông tư 01. Thứ hai là có dịch bệnh hay không thì ACB vẫn cam kết phục vụ khách hàng tốt nhất.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Phó Tổng giám đốc SHB, bà Ninh Thị Lan Phương cho biết, ngay sau khi có dịch bệnh và có sự chỉ đạo kịp thời của NHNN thì SHB đã có một số giải pháp như sau: Đối với nội bộ, SHB cũng có những giải pháp để có thể vận hành liên tục như dự phòng các điểm để tránh phong tỏa, đối với nhân viên thì cho làm việc tại nhà, các cuộc họp thì thường họp online. Đối với khách hàng, có một số giải pháp và chính sách như: Phát nước diệt khuẩn, khẩu trang, đối với những dịch vụ chuyển tiền thì giảm 30-50%, đối với khách gửi tiền online thì cộng 0,4-0,5%, đối với khách hàng gửi tiền tiết kiệm và cho vay cá nhân thì sẽ tặng gói bảo hiểm Covid-19.
SHB cũng rà soát các hoạt động kinh doanh của các DN ảnh hưởng bởi Covid-19 để đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp. Ngân hàng đã thành lập ban chỉ đạo Covid-19 do Tổng giám đốc làm trưởng ban và có 3 Phó tổng giám đốc phụ trách 3 mảng. Vấn đề thứ nhất là hệ thống chi nhánh, vấn đề thứ hai là khách hàng bị ảnh hưởng, một Phó tổng giám đốc phụ trách về cơ cấu nợ cho khách hàng và đánh giá tình hình hoạt động của khách hàng, một Phó tổng giám đốc phụ trách toàn bộ các kịch bản kinh doanh của ngân hàng.
Phó Tổng giám đốc MB, bà Phạm Thị Trung Hà chia sẻ, ngay sau khi Thông tư 01 của NHNN được ban hành ngày 13/3 thì ngay tối hôm đó MB cũng ban hành văn bản trong toàn hệ thống. Từ đầu tháng 3 đến thời điểm này, MB chủ yếu là cơ cấu nợ. Về vấn đề giảm lãi suất, MB đang xây dựng danh sách khách hàng khu vực miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng giảm sút 70-80% doanh thu. Đối với khách hàng khu vực này, MB dự tính giảm lãi suất với mức khoảng 1% so với lãi suất hiện nay đang được áp dụng với số tiền tương ứng khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ông Bùi Thái Hà, Phó Tổng giám đốc thường trực LienVietPostBank cho biết, sau khi có dịch, ngân hàng đã ban hành chính sách nội bộ, mạng lưới phân bổ đều và rộng. Về đánh giá ảnh hưởng của dịch, hàng tuần, LienVietPostBank yêu cầu đơn vị kinh doanh rà soát, làm việc trực tiếp cụ thể với khách hàng mà đơn vị mình quản lý. Đến thời này, ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh đối với LienVietPostBank khoảng 3.200 tỷ đồng trên tổng dư nợ là 143.000 tỷ đồng. Đây là con số ban đầu, LienVietPostBank đã tiến hành cơ cấu được hơn 1.000 tỷ đồng. Về vấn đề hỗ trợ, ngân hàng có gói giảm đồng loạt 0,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng. Với khách hàng cụ thể, ngân hàng cũng thành lập hội đồng, đánh giá mức độ ảnh hưởng, đưa ra hỗ trợ...
Qua báo cáo của các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế bày tỏ vui mừng khi các TCTD, trong đó có ngân hàng TMCP vào cuộc một cách nhanh nhất, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai với giải pháp thiết thực. Qua đó, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng kịp thời. Thời gian tới, các ngân hàng theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tiếp tục triển khai quyết liệt, chủ động, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch; nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,… đối với khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ vay do ảnh hưởng của dịch.
Đại diện các TCTD phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp
Thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú biểu dương các NHTM đã vào cuộc khẩn trương, tích cực đưa ra các gói sản phẩm, điều này thể hiện sự chủ động của các ngân hàng cũng như tinh thần chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Ngành. Để thực hiện tốt Thông tư 01, Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM tập trung triển khai một số nội dung quan trọng. Trước tiên, cần hành động quyết liệt triển khai trong toàn hệ thống từ hội sở chính đến từng chi nhánh, quán triệt đến Giám đốc chi nhánh bằng các hình thức tuyên truyền khác nhau, chỉ đạo hướng dẫn để cả hệ thống vào cuộc quyết liệt. Một lần nữa lãnh đạo NHNN lưu ý các ngân hàng chủ động xây dựng kịch bản phù hợp với hoạt động của từng ngân hàng, không nên để nước đến chân mới nhảy.
Vấn đề nữa, NHNN quán triệt tinh thần năm nay, NHTM chấp nhận giảm lãi, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các NHTM tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, Chỉ thị 01 của Thống đốc cũng như tập trung triển khai Thông tư 01; Xây dựng ngay Quy chế hướng dẫn nội bộ thực hiện Thông tư 01 tạo sự đồng nhất, thống nhất trong toàn hệ thống. Các văn bản này phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân, doanh nghiệp nắm được.
Công tác truyền thông thông tin kịp thời được lãnh đạo nhấn mạnh là vô cùng cần thiết, tạo niềm tin cho thị trường, DN, người dân... về những giải pháp ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai cũng như sự chia sẻ khó khăn đặt ra đối với ngân hàng trong quá trình này. Lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng phải có phương án kịch bản phòng chống dịch cụ thể trong toàn hệ thống từ trụ sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch. Đặc biệt lãnh đạo NHNN lưu ý cố gắng cao nhất không để cán bộ bị lây nhiễm, không để gián đoạn hoạt động của ngành Ngân hàng. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc gì, các ngân hàng gửi đề xuất kiến nghị, NHNN sẵn sàng hỗ trợ về cơ chế để hoạt động hỗ trợ không bị ách tắc. NHNN luôn quán triệt tinh thần hỗ trợ NHTM một cách tích cực nhất.
Về công tác an sinh xã hội, Phó Thống đốc biểu dương các NHTM đã rất tích cực, cùng toàn Ngành chung tay hỗ trợ phòng, chống ịch bệnh. Công đoàn ngành Ngân hàng Việt Nam đã phát động mỗi cán bộ ngân hàng ủng hộ một ngày lương. Khuyến khích các NHTM chung tay phòng, chống dịch Covid-19.