Động cơ để doanh nghiệp kinh doanh bài bản
Đẩy mạnh các gói hỗ trợ lãi suất ở Phú Yên | |
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: NHNN tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn gói hỗ trợ lãi suất |
Mặc dù lãi suất trên thị trường đang đứng trước áp lực tăng khi nguy cơ lạm phát tăng cao, nhiều ngân hàng vẫn đang áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn ngang bằng lãi suất đầu vào.
Tại điều 13, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn, các lĩnh vực cho vay: nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; phục vụ kinh doanh của DNNVV theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao (nhóm lĩnh vực ưu tiên - PV).
Ảnh minh họa |
Hiện lãi suất tối đa cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực trên ở mức 4,5%/năm. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp được hưởng lãi suất cho vay thấp theo cơ chế này phải đáp ứng một số yêu cầu của các tổ chức tín dụng như, chứng minh tài chính minh bạch, hoạt động kinh doanh có lãi 3 năm gần nhất… Đây là động lực để các DNNVV phải đổi mới, nâng cao năng lực quản trị điều hành, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bài bản; công khai minh bạch tài chính. Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến nay đạt khoảng trên 200.000 tỷ đồng, cho vay 35.282 khách hàng, tăng 5,3% so với cuối năm 2021, trong đó cho vay DNNVV khoảng 146.900 tỷ đồng chiếm 75% tổng dư nợ cho vay của chương trình này.
Mặc dù tỷ trọng dư nợ tín dụng ngắn hạn lãi suất thấp của 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên không phải lớn trong tổng dư nợ, tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, các khoản cho vay đều là ngắn hạn nên tốc độ vòng quay vốn rất nhanh. Cơ chế lãi suất thấp không chỉ tạo ra động lực tăng trưởng của doanh nghiệp, ở góc độ quản lý còn tạo động lực phát triển nền kinh tế trong dài hạn. Theo một lãnh đạo Agribank, lãi suất cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên ở một số chi nhánh ngân hàng đang triển khai, có những khách hàng quay vòng vốn bốn lần trong 12 tháng. Đặc biệt các khoản cho vay những lĩnh vực này đều là khách hàng đã có quan hệ nhiều năm với ngân hàng, nên ngân hàng tiết giảm rất nhiều chi phí thẩm định tài sản, phương án kinh doanh… Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp là khách hàng mới của ngân hàng, tốc độ vòng quay vốn bình quân một năm hiện nay khoảng 1,5-2 lần.
Tổng giám đốc một NHTM tại TP.HCM cho biết, để có mức lãi suất cho vay thấp, các ngân hàng phải dành gói tín dụng dành riêng cho vay các đối tượng ưu tiên. Thực tế, nguồn vốn huy động của ngân hàng nào càng có giá thấp sẽ càng tạo ra nhiều gói tín dụng lãi suất cho vay thấp. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, nắm bắt được xu hướng thanh toán trực tuyến là tất yếu, nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh vào công nghệ và miễn phí giao dịch để thu hút được một lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn. Hiện nay có những ngân hàng giao dịch của khách hàng trên kênh số chiếm đến 80-90%, qua đó ngân hàng tiết kiệm rất nhiều chi phí đầu tư vận hành so với kênh truyền thống.
Tại Chỉ thị 15/2022/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát,thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, nhất là về tỷ giá, lãi suất, tín dụng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tài khóa để vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NHNN chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
Các tổ chức tín dụng đã, đang thực hiện tốt chủ trương ưu tiên vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Việc này, không chỉ hỗ trợ ngành nghề, doanh nghiệp trong các lĩnh vực này giảm chi phí mà còn tạo thành động lực để họ hoạt động kinh doanh bài bản hơn, phát triển bền vững hơn.