Động lực tăng trưởng mới là kinh tế số
Dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy nền kinh tế nền tảng số | |
Kinh tế số tại Việt Nam: Đặt nền móng cho tăng trưởng trong tương lai | |
Thay đổi tư duy để kinh tế số bứt phá |
Năng suất lao động vẫn ở tầng đáy ASEAN
Nghiên cứu đánh giá kinh tế Việt Nam 2019 với tiêu đề "Cải thiện NSLĐ trong bối cảnh kinh tế số" của trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) vừa công bố cho biết, NSLĐ của Việt Nam thuộc hàng đáy của các quốc gia ASEAN, thậm chí thấp hơn Philippines, Lào và Myanmar, chỉ cao hơn Campuchia.
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy tăng năng suất và trong giai đoạn 2010 – 2019 và vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng NSLĐ bình quân 5,2%/năm; nhưng "trong suốt hai thập kỷ qua, Việt Nam không giảm được cách biệt với các nước trong khu vực, chênh lệch năng suất giữa Việt Nam và các nước không được thu hẹp, thậm chí càng bị bỏ xa. Nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế ngày càng trở nên rõ nét", GS. Trần Thọ Đạt (nguyên Hiệu trưởng NEU) và GS.TS Tô Trung Thành (Trưởng phòng Quản lý Khoa học của NEU) - hai đồng chủ biên nghiên cứu này cho biết.
Thúc đẩy NSLĐ quyết định khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế |
Phân tích cụ thể hơn, nghiên cứu cho biết, NSLĐ của Việt Nam đã tăng xấp xỉ 1,6 lần từ mức 38,47 triệu đồng/lao động năm 2010 lên mức 60,68 triệu đồng/lao động năm 2019 (tính theo giá so sánh 2010). Nếu tính theo giá hiện hành, NSLĐ năm 2019 đạt 110,4 triệu đồng/lao động, tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018.
Nhưng do xuất phát điểm thấp nên dù có tốc độ tăng NSLĐ khá cao như vậy, song khoảng cách tuyệt đối về NSLĐ giữa Việt Nam và các nước vẫn còn rất lớn. Đến năm 2019, NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/5 Malaysia, chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan và Trung Quốc, chỉ bằng 1/2 Indonesia và gần bằng một nửa NSLĐ trung bình của khối. NSLĐ của Việt Nam so với Mỹ chưa đến 10%, trong khi ở Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan là xấp xỉ 25% và Malaysia là hơn 50%.
Conference Board Total Economy Database cũng cho rằng, mặc dù tốc độ tăng NSLĐ Việt Nam cao nhất so với các nước trong khu vực, nhưng lại giảm so với năm 2018. Hơn nữa, tốc độ này cũng không đủ cao để Việt Nam giảm nhanh được cách biệt quá lớn về chênh lệch NSLĐ và duy trì tăng trưởng cao và bền vững.
Theo nghiên cứu của NEU, nếu Việt Nam chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng NSLĐ 5,88%/năm (như trong thời kỳ 2016-2019) với giả định tốc độ tăng lao động có việc làm là 0,71% và tốc độ tăng dân số 1,15% như thời điểm năm 2019 thì phải mất 19 năm, nghĩa là đến năm 2037 Việt Nam mới có thể đạt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người của năm 2035 là 18.000 USD (tương đương với Malaysia năm 2010).
Tăng NSLĐ đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình |
Động lực kinh tế số
"Để NSLĐ tăng cao hơn nữa trong giai đoạn sắp tới, trong bối cảnh các động lực tăng trưởng cũ đã gần hết dư địa, các động lực trước đây để duy trì mức tăng năng suất dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả chắc chắn cần phải có động lực mới. Đó là kinh tế số", PGS. Tô Trung Thành cho biết. Theo ông, tăng NSLĐ đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Và phát triển kinh tế số là một lựa chọn.
Kinh tế số theo NEU được hiểu là toàn bộ mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội được xây dựng và diễn ra dựa trên nền tảng số như vậy sẽ không chỉ là ngành công nghệ - thông tin, mà còn bao gồm tất cả các ngành, lĩnh vực có mô hình kinh doanh gắn liền với công nghệ số, kể cả những ngành lĩnh vực truyền thống có đưa công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Mặc dù hiện ảnh hưởng của kinh tế số đến NSLĐ còn rất khiêm tốn và thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác, nhưng theo PGS. Tô Trung Thành, trong giai đoạn đầu chuyển đổi số 2012-2017 cho thấy, khi tỷ lệ lao động sử dụng Internet trong các DN tăng lên 1% có thể làm NSLĐ tăng 0,003%.
Trong ấn phẩm "Cải thiện NSLĐ trong bối cảnh kinh tế số", NEU đã đưa ra 4 kịch bản dự báo về NSLĐ tổng thể và đóng góp của kinh tế.
Kịch bản 1: nếu nền kinh tế chuyển đổi số chậm thì tốc độ tăng NSLĐ trung bình là 6,25% mỗi năm, trong đó kinh tế số đóng góp 0,43%.
Kịch bản 2: nền kinh tế đã chuyển đổi số sẽ gia tăng ứng dụng công nghệ số và phát triển ngành CNTT thì tốc độ tăng NSLĐ trung bình là 6,97% và kinh tế số đóng góp 1,15% - mức đóng góp của kinh tế số cao nhất trong các kịch bản.
Kịch bản 3: là nhà xuất khẩu số khi ngành CNTT Việt Nam phát triển dựa vào hoạt động thuê ngoài cho các quốc gia khác, tuy nhiên, sự áp dụng các công nghệ số nội bộ ở khắp các ngành còn thấp. Tốc độ tăng NSLĐ trung bình là 6,32% và kinh tế số đóng góp 0,5%.
Kịch bản 4: là nhà tiêu dùng số khi ngành công nghiệp của Việt Nam sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT từ các quốc gia khác. Tốc độ tăng NSLĐ trung bình là 6,5% và kinh tế số đóng góp 0,68%.
Như vậy, tính cho cả giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng NSLĐ tổng thể cho thấy kinh tế số là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ và rất quan trọng cho năng suất và hiệu quả của nền kinh tế.
NSLĐ của Việt Nam và một số nước trong khu vực năm 2019 (PPP USD 2011) Nguồn: ILOSTAT |
Vai trò của kinh tế số càng được thể hiện rõ trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. NEU cho rằng nếu dịch bệnh chỉ kéo dài 2-3 tháng, đa phần các DN bị ảnh hưởng vẫn có thể chịu đựng được. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng nền kinh tế có thể rơi vào thời kỳ suy thoái là rất cao nếu không có những giải pháp đột phá và quyết liệt. Chỉ riêng việc hạn chế giao thương với Trung Quốc đã kéo giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 0,6 đến 0,8%. Nếu tính cả tác động nhiều chiều và từ các khu vực khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu chắc chắn nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều.
Để nền kinh tế sớm phục hồi sau đại dịch và tăng trưởng bền vững thì năm 2020 và những năm tiếp theo cần có những giải pháp đột phá nhằm thiết lập nền tảng tăng trưởng vững chắc trong thập kỷ tới. Hai vị đồng tác giả nghiên cứu "Cải thiện NSLĐ trong bối cảnh kinh tế số" nhấn mạnh thông điệp: "Trong bối cảnh những động lực tăng trưởng hiện có đang trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động tổng thể nền kinh tế". Trước mắt trong cơn đại dịch này Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt và phối hợp chính sách một cách chủ động để duy trì tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế và đảm bảo được các nguồn lực tăng trưởng dài hạn.
Kinh tế số không phải là câu chuyện tương lai. Ngay trong khi đại dịch bùng nổ thì những ngành, những DN đã số hóa, đã ứng dụng công nghệ thì vẫn duy trì được hoạt động và nhờ nó mà dù phải cách ly ở nhà nhưng người dân vẫn mua được hàng hóa mình cần; nhiều DN vẫn duy trì được hoạt động; đồng ruộng vẫn được tưới bón đúng lịch trình… "Mục tiêu mà Việt Nam cần hướng tới đồng bộ số hóa ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế", GS.Trần Thọ Đạt phát biểu.
Tuy nhiên để phát triển kinh tế số, cần có chiến lược khung để làm nền tảng cho các định hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số. Đồng thời, nền kinh tế chuyển đổi số cần phải có một nguồn lực cực lớn, không thể chỉ đến từ nguồn NSNN nên cần có chính sách tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư cho số hóa nền kinh tế. Cần những chính sách khuyến khích đủ mạnh cho khởi nghiệp và cho đầu tư vào khoa học công nghệ. Cần có chính sách hỗ trợ cho DN chuyển đổi số. Và cần có một tư duy mới và thể chế mới.
Trong quá trình phát triển đất nước, NSLĐ là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng DN. Nâng cao NSLĐ là vấn đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững. Thời gian qua, NSLĐ của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng. Mức NSLĐ theo sức mua tương đương của Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN. Chỉ thị số 07/CT-TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất quốc gia (ngày 4/2/2020) của Thủ tướng Chính phủ |