Đồng vốn tín dụng chính sách ở Sơn Hà đang nở hoa, kết trái
Dấu ấn tín dụng chính sách trên mảnh đất nghèo miền Trung 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH Hà Tĩnh ... |
Những ngôi nhà ‘hai tám’
Tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về ‘Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025” (Nghị định 28) đã và đang giúp người dân vùng cao Quảng Ngãi ổn định nơi ở, phát triển sinh kế, vươn lên trong cuộc sống…
Để tìm hiểu hiệu quả đồng vốn ưu đãi từ Nghị định này, chúng tôi đã về với huyện miền núi Sơn Hà. Đây là địa phương có tiềm năng kinh tế nông, lâm nghiệp khá phong phú, đã và đang được khai thác để phát triển. Tuy nhiên, tiềm lực kinh tế của huyện còn nhiều hạn chế, đời sống của nhân dân, đặc biệt là bà con các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn… Tuy vậy, thời gian gần đây được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đời sống của nhiều hộ gia đình nơi đây đã từng bước được cải thiện. Trên địa bàn xuất hiện nhiều ngôi nhà được xây dựng theo chương trình vay vốn từ Nghị định 28 - những ngôi nhà “hai tám”.
Là một trong những hộ được hỗ trợ vay vốn làm nhà ở theo Nghị định 28, anh Đinh Văn Xý và chị Đinh Thị Như, người đồng bào H’rê ở xã Sơn Trung phấn khởi cho biết, gia đình thuộc diện khó khăn. Nguồn thu nhập chủ yếu từ làm nương rẫy, khá bấp bênh. Trước đây, cả gia đình phải đi thuê nhà ở. Mới đây, khi được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Hà cho vay 40 triệu đồng, cùng với số tiền tích góp, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà mới rộng hơn 80m2, khá kiên cố và đẹp mắt… Từ nay trở đi, anh chị không còn phải chịu cảnh nhà thuê, nhà mướn nữa.
Ngô nhà mới xây theo Nghị định 28, của anh Đinh Văn Xý và chị Đinh Thị Như, người đồng bào H’rê ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà. |
Cùng như vậy, ở xã Sơn Trung, còn có gia đình anh Đinh Văn Bôi và chị Đinh Thị Man, trước đây cũng gặp khó khăn về nơi ở, cả nhà phải ở trong căn nhà gỗ xập xệ, chật chội, ẩm thấp. Mỗi khi trời đổ mưa, trong nhà cũng như ngoài sân… Đến nay, nhờ được vay 40 triệu đồng theo Nghị định 28, gia đình đã có cơ hội xây dựng một ngôi nhà khang trang, chắc chắn. Không những thế, gia đình anh chị còn được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi và trồng keo lá tràm, có thêm cơ sở để phát triển kinh tế... Anh Đinh Văn Bôi tâm sự: "Có được ngôi nhà mới như ngày hôm nay tôi rất cảm ơn các cấp chính quyền địa phương và NHCSXH. Có nhà mới, gia đình có thêm động lực để yên tâm lao động, sản xuất…"
Vươn lên phát triển kinh tế
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sơn Hà cho biết, ngay khi Nghị định 28 có hiệu lực, đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo cấp xã trong vùng được hưởng lợi tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng có nhu cầu vay vốn. Đồng thời, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, giải ngân vốn kịp thời đến đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; giúp bà con có điều kiện xây dựng, sửa chữa lại nhà ở để an cư, lạc nghiệp. Khi được tiếp cận nguồn vốn vay, các hộ dân đều rất vui mừng, phấn khởi vì có căn nhà khang trang để ở và có nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững…
Có ngôi nhà mới, gia đình anh Đinh Văn Bôi và chị Đinh Thị Man sẽ có thêm động lực để yên tâm lao động, sản xuất. |
Bên cạnh vay vốn để ổn định nơi ở, Nghị định 28 cũng tạo thuận lợi cho bà con ở huyện miền núi Sơn Hà còn có điều kiện vay vốn để giải quyết việc làm…
Trước đây, ông Đinh Văn Thê ở thôn Gò Chu, xã Sơn Thành từng làm công nhân tại một nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp VSIP (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, việc làm có tính thời vụ và thu nhập không ổn định nên với quyết tâm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, đầu năm 2020, ông Thê đã mạnh dạn vay 35 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH. Với số tiền này, ông Thê đầu tư trồng 1,5 ha keo với hơn 7500 cây keo. Đến nay, keo đã hơn 3 năm, ước tính doanh thu khi thu hoạch hơn 120 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 2 con bò và 15 con gà để tạo thêm thu nhập. Nguồn vốn vay giải quyết việc là từ NHCSXH đã tạo việc làm với thu nhập ổn định, thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, đến nay tổng thu nhập của gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm….
Bà Đinh Thị Lành, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Trung cho biết, sau khi được tuyên truyền về chính sách ưu đãi của Chính phủ từ Nghị định số 28, Hội đã tiến hành họp dân, phổ biến các nội dung như, mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất, cách thức trả lãi định kỳ để người dân nắm rõ. Đồng thời, tuyên truyền đến các tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm ở từng địa bàn các nội dung, chính sách ưu đãi sẽ được triển khai; yêu cầu các tổ trưởng phối hợp trong việc phổ biến các nội dung này đến từng người dân để họ nắm rõ chủ trương. Đồng thời đảm bảo mọi thủ tục vay vốn được thực hiện theo đúng quy trình, quy định để khi có nguồn vốn phân bổ, việc giải ngân sẽ thực hiện nhanh chóng và thuận lợi, đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả.
Tín dụng chính sách góp phần giúp người dân huyện miền núi Sơn Hà giảm nghèo nhanh và bền vững, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. |
Tính đến ngày 31/10/2023, doanh số cho vay trong năm 2023 các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện là 113.757 triệu đồng, nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 485.986 tỷ đồng, tăng 46.971 triệu đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 10,70% so với đầu năm…
Theo đánh giá của UBND huyện Sơn Hà, đến nay việc hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi, nguồn vốn đa dạng sinh kế của NHCSXH trên địa bàn không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên trong cuộc sống, mà còn làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Hà trong thời gian qua có sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền cùng sự cố gắng nỗ lực của cán bộ viên chức người lao động NHCSXH, giúp bà con tự lực vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới.