Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi: Tách dự án bồi thường kèm theo các điều kiện để đảm bảo quản lý nhà nước
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc |
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai Luật Đầu tư công trong thời gian vừa qua đã góp phần nhất định trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án đầu tư vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược quốc gia, dự án đường cao tốc, các dự án liên vùng, các dự án ven biển cũng đã được hoàn thành và tạo được kết quả rõ nét trong việc thực hiện đột phá chiến lược.
Tuy nhiên sau 5 năm triển khai, Luật Đầu tư công cũng đã bộc lộ một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải xử lý kịp thời để đáp ứng được tình hình phát triển mới. Bên cạnh đó, thời gian qua một số chính sách thí điểm, chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành, đang trong quá trình triển khai, cần thời gian để đánh giá nhưng đã chín muồi để có thể đưa vào luật hóa.
Theo ông Trần Thành Long, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi có 29 nội dung điều chỉnh, quy định mới. Đáng chú ý, một nội dung rất vướng trong thời gian qua là việc thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thì lần này Luật Đầu tư công đã có một chương riêng quy định. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cũng hướng tới đơn giản hóa trình tự, thủ tục, bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, các quy định để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong Luật Đầu tư công và giữa Luật Đầu tư công với các quy định của pháp luật có liên quan.
Trong nhóm thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (trong khi quy định hiện hành chỉ cho phép tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A).
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đánh giá cao tư duy cách đổi mới, ưu tiên sự thông thoáng trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi. Việc cho phép tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái dịnh cư là rất hợp lý, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong việc triển khai dự án. Nên ưu tiên cho các dự án nhóm A, B, với nhóm C quy mô nhỏ có thể xem xét tách hoặc không tách tuỳ thực tế.
Về dự án đầu tư công liên quan vốn ODA, ông Nguyễn Trúc Sơn cho rằng hiện các thủ tục còn quá phức tạp, nên xem xét hợp nhất yêu cầu của nhà tài trợ với các quy định của Luật Đầu tư công và Luật đấu thầu. Trong đó, có hai vấn đề trọng tâm cần giải quyết: Quy trình các bước đầu tư ODA hiện nay đang quá dài; Cân nhắc lại quy định về vốn viện trợ không hoàn lại có liên quan đến đầu tư hoặc hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực (hiện quy định vốn vay không chi cho thường xuyên, chỉ chi cho đầu tư).
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, thực tế hiện nay các dự án có vốn vay ODA kéo dài chủ yếu do vướng thủ tục. Do đó, bày tỏ đồng tình cao với dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, sẽ giúp tháo gỡ được nhiều nút thắt trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công vừa qua.
Liên quan đến triển khai dự án ODA, qua khảo sát cho thấy, thời gian trung bình để triển khai được dự án là 3,5 năm, có dự án lên đến 4 -5 năm. Với thời gian dài như vậy thì những dự tính ban đầu đã thay đổi.
Theo ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Chủ tịch UBND Hậu Giang, cần mạnh dạn đề xuất nội dung phân cấp phân quyền, việc tách dự án thành phần, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tiến độ giải ngân đầu tư công phục thuộc nhiều vào công tác giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn đo Chính phủ giao địa phương thì phân cấp thẳng cho UBND, không cần qua HĐND, làm tốn thêm thời gian, thủ tục để HĐND giao UBND.
Về vấn đề tách giải phóng mặt bằng khỏi các dự án để đảm bảo tiến độ các dự án, Giám đốc Sở KH-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Linh cho rằng, việc tách này sẽ gắn với việc phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tăng tổng mức đầu tư là đúng, rất cần thiết cho các địa phương trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, việc tách dự án bồi thường theo nhóm A, B, C cũng phải có quy định rõ trong nội dung luật sửa đổi. Hiện tổng mức đầu tư dự án là tính cả giải phóng mặt bằng, nay tách ra rồi thì sẽ tính như thế nào. Bên cạnh đó trong nhiều trường hợp, dự án có chi phí xây lắp/thiết bị thấp nhưng chi phí giải phóng mặt bằng rất cao. Do đó, cần quy định rõ dự án bồi thường ở mức bao nhiêu thì được tách để địa phương chủ động thực hiện thủ tục đầu tư của địa phương.
Về vấn đề này Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ đã từng tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội, nhưng Quốc hội khi đó băn khoăn, nếu tách bồi thường ra, mà sau này việc bồi thường không gắn với các dự án thì sẽ có hệ lụy rất lớn, trách nhiệm thuộc về ai. “Lần này chúng tôi đề xuất tách dự án bồi thường nhưng kèm theo các điều kiện để đảm bảo công tác quản lý nhà nước”, bà Ngọc thông tin.