EVFTA chính thức có hiệu lực: Hiện thực hóa tiềm năng hợp tác
Ảnh minh họa |
Cú huých quan trọng
Trong gần 30 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1990), quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng phát triển mạnh mẽ. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, thị trường xuất khẩu thứ 2 và nhà đầu tư đứng thứ 5 của Việt Nam.
Chỉ tính riêng 18 năm lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 13 lần từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 56,45 tỷ USD vào năm 2019; trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,5 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 14,9 tỷ USD. Về đầu tư trực tiếp (FDI), 5 tháng năm 2020, EU có 26/27 nước đầu tư tại Việt Nam với 2.040 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 21,66 tỷ USD (tăng 553 triệu USD).
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%. Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.
Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm.
Đúng vào thời điểm EVFTA đi vào thực thi sau hơn 9 năm hai bên nỗ lực đàm phán để ký kết và phê chuẩn hiệp định, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng suy giảm mạnh, và châu Âu cũng như Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.
Dù bối cảnh không thuận lợi, quan chức hai phía Việt Nam và EU tại địa bàn châu Âu cùng chung quan điểm cho rằng trước những thách thức của thời điểm đặc biệt khó khăn này, EVFTA là một cú huých quan trọng đối với nền kinh tế của cả hai bên.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết, trong bối cảnh kinh tế châu Âu hiện cần mọi cơ hội để khôi phục sức mạnh sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, các hiệp định thương mại như Hiệp định EVFTA có hiệu lực với Việt Nam ngày 1/8 “sẽ mang đến cho các công ty của châu Âu cơ hội tiếp cận các thị trường mới nổi và tạo công ăn việc làm cho người châu Âu”.
Bà Ursula von der Leyen bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ thỏa thuận này cũng sẽ trở thành cơ hội để người dân Việt Nam được hưởng một nền kinh tế thịnh vượng hơn, tham gia vào một sự thay đổi tích cực và có được nhiều quyền lợi hơn với tư cách là một người lao động cũng như công dân.
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế; đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nỗ lực để tối ưu hóa cơ hội
Việc trong khu vực ASEAN, EU lựa chọn Việt Nam là đối tác ký kết thương mại tự do đã cho thấy sự hấp dẫn đặc biệt của Việt Nam trong khu vực cũng như trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, thực tế cho thấy EU là một thị trường khó tính với những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, phát triển bền vững đối với hàng hóa nhập khẩu.
Chính vì vậy, Hiệp định EVFTA không thể hoàn toàn là cứu cánh, những ưu đãi từ Hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ; tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới.
Theo đó, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại, cải thiện khả năng tham gia thương mại quốc tế để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, chinh phục thành công thị trường EU, tiến sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.
Bà Nguyễn Sơn Trà, Phó trưởng Phòng WTO và Đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, trước mắt, để có thể tận dụng tốt các cơ hội đến từ EVFTA, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kỹ nội dung của hiệp định này, tránh mơ hồ, nhầm lẫn, dẫn đến sai sót không đáng có.
“Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc nắm vững các cam kết của Việt Nam và EU trong khuôn khổ Hiệp định. Doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới, cải tiến sản phẩm chất lượng của mình để có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của EU đưa ra đối với hàng hóa nhập khầu”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, Hiệp định EVFTA không phải là Hiệp định đầu tiên mà Việt Nam tham gia. Do đó, các doanh nghiệp Việt đã khá quen với việc khai thác những cơ hội cũng như đối diện với thách thức của hội nhập trong khuôn khổ các FTA.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Phong đánh giá, EVFTA là Hiệp định tương đối đặc biệt “mở và mạnh nhất” cũng như có tác động đa diện hơn so với các Hiệp định trước. Do đó, các doanh nghiệp nội cũng có nhiều cơ hội hơn.
Để khai thác những lợi ích này, các doanh nghiệp phải có một số lưu ý: Thứ nhất là đảm bảo xuất xứ về hàng hóa xuất khẩu của mình. Thứ hai, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, nhất là vệ sinh thực phẩm, những tiêu chí về kỹ thuật khác. Thứ ba là cần phải đảm bảo các điều kiện giao nhận theo đúng hợp đồng, có sự chuẩn bị kỹ cho tất cả những tranh chấp xảy ra.
“Ngay cả vấn đề về xuất xứ, các doanh nghiệp Việt được phép đăng ký xuất xứ và hưởng ngay những lợi ích từ việc đáp ứng được yêu cầu xuất xứ này. Nhưng nếu mà bị nghi ngờ thì buộc phải cung cấp tài liệu chứng cứ. Nếu không sẽ bị phạt rất nặng. Do đó, các doanh nghiệp Việt phải chủ động nắm bắt được yêu cầu cũng như tranh thủ được những cơ hội để có thể cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác”, ông Phong lưu ý.