Fed hạ lãi suất, tỷ giá dễ thở hơn
Yên và euro tăng vọt khi nhà đầu tư tìm kênh an toàn giữa lo ngại về virus corona | |
Tỷ giá hạch toán USD tháng 3/2020 là 23.217 đồng/USD |
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đầu tháng 3/2020 đột ngột hạ 50 điểm phần trăm lãi suất định hướng đưa lãi suất đồng bạc xanh xuống mức 1-1,25% nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virut Corona (Covid-19) gây nên.
Động thái này của Fed, cộng thêm kỳ vọng Fed có thể tiếp tục giảm lãi suất ngay tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 17-18/3 tới đã khiến đồng USD trên thị trường thế giới lao đốc mạnh. Hiện chỉ số USD đã giảm xuống dưới 96 điểm, tức giảm tới 4% so với mức đỉnh 2,5 năm thiết lập ngày 20/2.
Ảnh minh họa |
Trên thị trường trong nước, đồng USD cũng giảm giá so với VND theo đà giảm giá của USD trên thị trường quốc tế. Tỷ giá trung tâm niêm yết giảm theo ngày và sau mỗi ngày giá đồng USD lại có mức giảm bình quân mỗi từ 5-10 đồng. Tuy nhiên mức giảm của tỷ giá trong nước vẫn nhỏ hơn nhiều so với đà lao đốc của đồng USD. Đơn cử ngày 10/3, NHNN giảm nhẹ tỷ giá trung tâm 5 đồng xuống còn 23.190 đồng/USD. So với mức đỉnh 23.245 đồng/USD thiết lập ngày 25/2, tính đến nay tỷ giá trung tâm mới giảm 0,23%. Điều đó cho thấy rõ quan điểm điều hành tỷ giá theo hướng ổn định của NHNN nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Giá mua bán USD trong các NHTM cũng giảm theo tỷ giá trung tâm và giá đồng USD trên thị trường quốc tế. Cụ thể: Vietcombank ngày 10/3 niêm yết giá thu mua USD tiền mặt với mức giá 23.080 đồng/USD, giá mua chuyển khoản của ngân hàng này cao hơn một chút ở mức 23.110 đồng/USD, bên cạnh đó giá ngân hàng bán ra ở mức 23.250 đồng/USD (giảm 0,42 điểm phần trăm so với thời điểm 25/2). Giá mua tiền mặt, chuyển khoản và giá bán USD của ngân hàng Á Châu (ACB) lần lượt ở mức 23.100/23.120/23.230 đồng/USD; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng niêm yết giá mua vào bán ra USD bằng với giá của ACB. VietinBank niêm yết giá thu mua USD tiền mặt ở mức 23.095 đồng/USD, bán ra với mức giá 23.245 đồng/USD...
Theo các nhà kinh tế, khi cặp tiền tệ có một đồng tiền mạnh giảm giá thì bao giờ đồng tiền yếu hơn cũng thuận lợi và dễ thở hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh chính sách điều hành của NHNN Việt Nam lãi suất USD 0%, việc Fed hạ lãi suất lại càng tạo cơ hội thu hẹp khoảng cách chênh lệch lãi suất tiền gửi ngoại tệ giữa trong và ngoài nước điều này tạo dư địa rộng hơn cho nhà điều hành trong quản lý thị trường ngoại hối.
Một điểm đáng ghi nhận nữa là hiện tín dụng ngoại tệ đã được kiểm soát chặt hơn. Theo đó về cơ bản, hiện các ngân hàng chỉ còn cho vay ngoại tệ đối với những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ và cam kết bán lại ngoại tệ từ tiền hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, tín dụng ngoại tệ cũng chỉ còn ưu tiên cho một số lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa thiết yếu như xăng dầu. Nhờ đó, áp lực vay vốn và trả nợ bằng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng hiện nay không còn quá lớn so với giai đoạn trước. Điển hình, tỷ trọng cho vay ngoại tệ của hệ thống ngân hàng tại TP.HCM hiện nay chỉ còn khoảng trên 10% tổng dư nợ cho vay vốn toàn địa bàn – số liệu của NHNN chi nhánh TP.HCM.
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao công tác điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường trong những tháng đầu năm nay của NHNN. Nhờ đó tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định bất chấp những biến động mạnh trên thị trường thế giới, qua đó góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô. Một hiệu ứng tích cực nữa là việc Fed hạ lãi suất trên nguyên lý sẽ làm cho đồng USD giảm giá trên thị trường quốc tế và làm tăng giá các đồng tiền chủ chốt như JPY, EUR, AUD... Điều đó sẽ có lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù vậy, ông Trương Văn Phước - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, doanh nghiệp nên chú ý vào các động thái đồng USD biến động trên thị trường quốc tế để có những tính toán trong kế hoạch kinh doanh, nhất là những động thái Fed cắt giảm lãi suất bao nhiêu điểm phần trăm doanh nghiệp sẽ tính toán được kế hoạch kinh doanh trong tương lai.