Fintech kết nối ngân hàng tăng cung tín dụng
Khối ngoại mở rộng hợp tác
Cuối tháng 11 vừa qua, nhận được hậu thuẫn từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Validus Vietnam – một fintech hỗ trợ vốn vay hàng đầu cho DNNVV của Singapore đã mở rộng phạm vi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Theo đó, DN này đã kết nối với hàng nghìn DNNVV thuộc các khối ngành bán lẻ, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, may mặc, dược phẩm và logistics để thúc đẩy tài trợ vốn. Theo Validus để tăng phạm vi phục vụ, DN này đã hợp tác với TTC Group và Do Ventures để triển khai giải pháp hỗ trợ vốn cho các DN nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Cụ thể, ba tổ chức này cho ra mắt nền tảng vay siêu tốc eBIZ, giúp DN vay tín chấp giải ngân trong vòng 48 tiếng, hạn mức hỗ trợ tối đa đến 500 triệu đồng/DN và thời hạn vay kéo dài 12 tháng. Ông Đinh Văn Bình, Giám đốc điều hành Validus Việt Nam thông tin, đến hiện tại Validus đã giải ngân hơn 1 tỷ USD cho các DNNVV tại Singapore, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.
“Việc hợp tác với TTC Group đồng thời phối hợp chặt chẽ với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, khả năng phát triển các khoản vay nhỏ lẻ dành cho 9.000 thành viên của hiệp hội này là hoàn toàn khả thi”, ông Bình khẳng định.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh Validus Việt Nam, hiện nay các fintech ngoại hoạt động trong lĩnh vực kết nối cho vay tín chấp nhỏ lẻ cũng đang mở rộng hợp tác nhằm thúc đẩy tài trợ vốn kinh doanh cho khối DNNVV. Đơn cử, Funding Societies, sau khi nhận đầu tư 22,5 triệu USD từ VNG hồi tháng 4 năm ngoái, đã phát triển mạnh hệ thống 150.000 đại lý và cửa hàng bán lẻ, đồng thời tăng tốc giải ngân gần 2 tỷ USD vốn vay tín chấp cho các DNNVV với khoảng 5 triệu khoản vay.
Một fintech khác cũng đến từ Indonesia là Kredivo mới đây cũng đã chính thức hợp tác với VietCredit và Sendo nhằm cung cấp dịch vụ mua trước trả sau, phục vụ cá nhân, DN nhỏ và siêu nhỏ tại TP.HCM và các thành phố lớn. Trong khi đó, Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) vào giữa tháng 11/2022 cũng đã công bố đầu tư 1,3 tỷ Yên Nhật (tương đương khoảng 10 triệu USD) vào CTCP SmartNet nhằm thúc đẩy phát triển ứng dụng SmartPay, hướng tới khách hàng mục tiêu là các DN nhỏ, siêu nhỏ, cũng như phát triển giải pháp mua ngay – trả sau cho khoảng 667.000 nhà bán hàng tại 63 tỉnh thành trên địa bàn cả nước.
Ngân hàng, fintech nội không đứng ngoài cuộc
Khi các fintech nước ngoài chủ động trong việc hợp tác mở rộng cho vay tín chấp tiêu dùng cũng như bổ sung vốn kinh doanh cho các DNNVV thì mức độ cạnh tranh trong phát triển các sản phẩm cho vay nhanh, không tài sản đảm bảo ở nhóm NHTMCP và các fintech trong nước cũng ngày càng tăng.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, Techcombank và VPBank là các ngân hàng đang phát triển khá mạnh khi hợp tác cùng Vinshop và DMSpro – SmartPay. Cụ thể, Techcombank hiện tại đã xây dựng xong tệp khách hàng khoảng 100 triệu chủ các cửa hàng tạp hóa. Ứng dụng Vinshop đang cung cấp dịch vụ ứng vốn tối đa 100 triệu đồng cho các khách hàng thông qua tài khoản của Techcombank, đồng thời bắt đầu mở rộng sang chuỗi siêu thị WinMart và WinMart+ với sự hậu thuẫn của Masan.
Trong khi đó, VPBank hợp tác cùng liên minh DMSpro – Bonbon Shop và SmartPay đã “tấn công” mạnh mẽ vào mảng cho vay startup và hộ gia đình. Bonbon Shop đóng vai trò kết nối giữa nhà sản xuất và cửa hàng bán lẻ. Ví điện tử SmartPay cung cấp các phương thức thanh toán còn VPBank Commcredit là bên cho vay tín chấp dựa trên hạn mức và điểm tín dụng của khách hàng mà hệ thống số hóa đo đếm được.
Trên thị trường, hiện nay mảng ứng vốn, ứng lương, mua trước trả sau cũng thu hút khá mạnh các công ty tài chính, các ví điện tử và các fintech kết nối cho vay. Đơn cử, FE Credit đã hợp tác với ViettelPay ra mắt Paynow, một ví điện tử có chức năng mua trước trả sau. Trong khi đó, HomeCredit chọn Tiki để ra mắt sản phẩm Home PayLater với tính năng tương tự. Hay mới đây, Easy Credit một thương hiệu cho vay tiêu dùng của CTCP Tài chính điện lực cũng đã hợp tác với ví điện tử MoMo để phát triển sản phẩm cho vay tín chấp giải ngân qua ứng dụng ví này. Sắp tới ZaloPay sẽ hợp tác với CIMB (Malaysia) để triển khai dịch vụ mua trước trả sau và ứng vốn tín chấp dành cho các DN nhỏ và siêu nhỏ…
Theo ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam, trong bối cảnh các DNNVV cạn kiệt nguồn tài sản thế chấp, trong một, hai năm tới các hình thức cho vay thay thế sẽ phát triển mạnh. Các DNNVV sẽ chuyển sang vay vốn từ các ngân hàng thuần số và các công ty tài chính công nghệ để vượt qua những rào cản chung. Trong đó, tại Việt Nam, theo khảo sát của Mambu sẽ có khoảng 52% DNNVV chuyển sang tiếp cận khoản vay từ các công ty có giải pháp tài chính tốt hơn và 42% DN sẽ chọn các công ty cung cấp dịch vụ số tốt hơn.
“Điều này cho thấy cuộc cạnh tranh cung ứng vốn tín chấp dựa trên các nền tảng số hóa dữ liệu và liên kết ba, bốn bên sẽ ngày càng khốc liệt. Xu hướng phối hợp giữa các ngân hàng với fintech và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng sẽ ngày càng phổ biến khi pháp lý cho ngân hàng thuần số, và hoạt động thí điểm fintech được triển khai trên thực tế”, ông Minh nhận định.