Ngành Ngân hàng Đà Nẵng ghi nhận những thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến động, ngành Ngân hàng tại địa phương đã kịp thời triển khai các giải pháp chính sách tiền tệ, tín dụng bám sát thực tiễn, qua đó hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng, tổng huy động vốn của các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) tại Đà Nẵng đạt khoảng 214.000 tỷ đồng vào cuối tháng 12/2024, tăng 12,04% so với cuối năm 2023.
Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị |
Trong đó, tiền gửi bằng VND chiếm tỷ lệ áp đảo với 95,79% tổng nguồn vốn, đạt 205.000 tỷ đồng, tăng 10,63%.
Đặc biệt, tiền gửi ngoại tệ tăng mạnh, đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 58,14% so với cùng kỳ. Tiền gửi từ tổ chức kinh tế cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 15,02%, trong khi tiền gửi từ dân cư đạt 129.000 tỷ đồng, tăng 10,16%. Kết quả này không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động tín dụng trên địa bàn.
Dư nợ tín dụng tại Đà Nẵng cũng có sự tăng trưởng tích cực, đến 31/12/2024, đạt khoảng 238.000 tỷ đồng, tăng 8,28%.
Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND chiếm ưu thế với 98,21% tổng dư nợ, đạt 233.000 tỷ đồng, tăng 8,37%. Các chương trình tín dụng ưu tiên, đặc biệt là cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các lĩnh vực lâm sản, thủy sản, được triển khai hiệu quả. Nhờ đó, ngành Ngân hàng đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Quang cảnh hội nghị |
Bên cạnh tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng cũng được kiểm soát tốt. Tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn tính đến ngày 30/11/2024 chiếm 2,28% tổng dư nợ, với giá trị 5.374 tỷ đồng. Nợ nhóm 2 giảm 34,24% so với cuối năm 2023, chỉ còn chiếm 1,36% tổng dư nợ. Đây là kết quả từ các biện pháp rà soát, xử lý nợ xấu hiệu quả theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, cũng như sự chủ động của các TCTD trong việc cải thiện chất lượng danh mục tín dụng.
Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng, một điểm sáng khác là sự phát triển mạnh của ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt tại Đà Nẵng. Phương thức thanh toán qua mã QR, chuyển tiền điện tử và các dịch vụ số khác tiếp tục được người dân, doanh nghiệp đón nhận. Công tác đảm bảo an ninh mạng và phòng chống gian lận công nghệ cũng được chú trọng, góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế địa phương.
Cùng với đó, ông Minh cho rằng, mặt bằng lãi suất tại Đà Nẵng trong năm qua cũng giảm nhẹ so với cuối năm 2023, giúp kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng vẫn đối diện với áp lực từ nhu cầu vốn tăng cao và xu hướng lãi suất tiền gửi bắt đầu nhích lên, gây ảnh hưởng đến chi phí huy động vốn của các TCTD.
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, hoạt động ngân hàng tại Đà Nẵng vẫn tồn tại một số hạn chế. Tăng trưởng tín dụng năm 2024 chỉ đạt 8,28%, thấp hơn mức bình quân cả nước 12,5%. Khả năng huy động vốn trung và dài hạn của các TCTD còn hạn chế, chỉ chiếm 15,02% tổng nguồn vốn trong khi nhu cầu vốn trung dài hạn chiếm đến 53,15% tổng dư nợ.
Việc triển khai một số chương trình tín dụng xã hội cũng gặp khó khăn. Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP còn nhiều hạn chế do nguồn cung nhà ở xã hội không đủ đáp ứng nhu cầu.
Vốn ngân hàng đã hộ trợ tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn |
Ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng cũng đối diện với thách thức từ các rủi ro công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số phát triển nhanh. Hạ tầng công nghệ ngân hàng chưa đồng bộ cũng là một rào cản lớn, gây khó khăn trong việc tích hợp hệ thống và triển khai các giải pháp số hóa.
Năm 2024, hoạt động ngân hàng tại TP. Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần không nhỏ vào việc ổn định kinh tế và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững trong tương lai, ngành Ngân hàng cần tập trung cải thiện chất lượng tín dụng, mở rộng huy động vốn dài hạn, đẩy mạnh các chương trình tín dụng xanh và nâng cao năng lực công nghệ.
Đồng thời, việc triển khai các chương trình tín dụng xã hội cần được thực hiện linh hoạt, phù hợp hơn với thực tế địa phương. Những giải pháp này sẽ giúp ngành Ngân hàng Đà Nẵng không chỉ duy trì được đà tăng trưởng mà còn khẳng định vai trò là động lực phát triển của nền kinh tế thành phố.